CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Chuyện làm thêm của du học sinh Việt Nam tại Pháp

Ngay từ những ngày học phổ thông, tôi đã mơ ước được đi du học ở Cộng hòa Pháp, cái nôi của nền văn hoá châu Âu, của sự tiên tiến, văn minh, hiện đại nhưng cũng thật lãng mạn, cổ kính. Và sau những cố gắng, nỗ lực học tiếng Pháp và các môn văn hóa, tôi đã đạt được ước mơ của mình.

Tôi học Đại học Valenciennes. Valenciennes là một thành phố nhỏ ở phía Bắc nước Pháp. Tốt nghiệp đại học tôi tiếp tục đăng ký và được nhận vào học chương trình Thạc sĩ tại trường Lille 1. Một, hai năm đầu, bố mẹ chu cấp đủ tiền cho mọi chi phí. Học đại học và thạc sỹ ở Pháp tất cả sinh viên đều được miễn học phí, được trợ cấp tới 50% tiền thuê nhà. Nhờ vậy, mỗi năm học bạn chỉ cần 5000 - 6000 euro (tương đương 125-150 triệu VND) là đủ trang trải.

Tuy nhiên, để đỡ đần cho cha mẹ, có tiền mua sắm thêm và đi du lịch, hầu như tất cả du học sinh Việt Nam đều muốn tìm cho mình một công việc làm thêm. Theo quy định của nhà nước Pháp, sinh viên được phép làm việc 822,5 giờ/năm, hoặc một công việc toàn thời gian trong vòng 3 tháng, với mức lương tối thiểu (SMIC) là 8,27eu/giờ làm thực tế (đây là mức lương gốc, có nghĩa là chưa trừ các khoản đóng thuế, BHXH bắt buộc).

Tôi bắt đầu công cuộc tìm việc làm thêm tại Lille, thủ phủ phía Bắc của nước Pháp. Lille là một thành phố lớn nên cũng dễ tìm việc. Ở Pháp các thành phố lớn như Paris, Lille, Marseille, Toulouse, Lion … có nhiều việc làm thêm hơn các thành phố nhỏ. Tuy nhiên, ở các thành phố đó giá sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn.

Công việc làm thêm rất đa dạng: Có thể làm bồi bàn trong nhà hàng, phụ bếp, làm nhân viên bán hàng, phát tờ rơi, trông trẻ, giao pizza, sushi hoặc theo vụ mùa có thể hái nho, thậm chí cày ruộng ... Mặc dù công việc nhiều nhưng không phải dễ dàng kiếm được. Muốn có được việc làm thêm, hầu như đều phải thông qua các mối quan hệ quen biết, do bạn bè giới thiệu, thế chỗ người quen vào làm, hoặc cố giữ chỗ tốt để mách cho bạn bè. Để mở rộng quan hệ, khi đi du học, bạn nên tham gia vào Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố nơi mình ở, sẽ có rất nhiều sự giúp đỡ hiệu quả. Với tôi, khi còn chân ướt chân ráo đến thành phố mới, còn chưa quen biết nhiều, tôi đã tự làm một tập vài trăm tờ rơi giới thiệu bản thân (CV) để rải khắp các nhà hàng, siêu thị. Theo cách đó, nếu cần họ sẽ gọi điện cho mình. Và may mắn đã đến khi có một nhà hàng buffet châu Á gọi tôi đến làm việc, công việc chính là thái rau củ, thái thịt và chuẩn bị tất cả nguyên liệu sống cho buffet. Những ngày đầu đi làm còn chưa quen, tôi đã thực sự gặp rắc rối khi liên tục thái vào tay, bàn tay đơ cứng sau mỗi buổi làm vì phải liên tục cầm dao nặng, và mỏi dừ chân vì phải đứng trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Rồi ngày nào cũng phải bốc hàng đông lạnh hàng chục cân từ tầng cao xuống tầng hầm, xếp hàng vào hầm lạnh đến chảy máu cam. Hoặc dỡ hàng, mang vác  vài tạ thịt, cá, rau củ từ xe ô tô vào kho... Sau này tôi còn làm cả chân xào thức ăn. Đây là việc không dễ, phải khỏe mới cầm cái chảo lắc đều (như các đầu bếp Trung Quốc làm vậy), đảo thịt cá cho khách ăn buffet, lại phải xào đủ độ để bảo đảm đồ xào vừa chín tới, ngon miệng. Khi làm việc này tôi đã được tăng lương. Có nhiều buổi tối đông khách chúng tôi ra về rất khuya, hết cả tàu điện ngầm. Rất may là thường khi đó chủ cho xe ô tô đưa về tận nhà. Tuy nhiên đối với các bạn nữ thì công việc đó có phần quá sức.

Ngay bản thân tôi, dù được coi là to khỏe cũng đã có lúc tôi muốn từ bỏ vì mệt mỏi,(hôm nào đi làm về là chỉ có lăn ra ngủ), nhưng nghĩ đến khoản tiền phải chuẩn bị cho năm học sau, tôi lại tự bảo mình phải cố gắng. Dần dần sau một thời gian quen tay, tôi lại thấy công việc thật bình thường và vui nhất là lúc chủ trả lương, cảm giác như bao nhiêu mệt mỏi của những ngày vất vả tan biến hết. Rồi đến khi vào năm học, tôi lại xin vào làm việc tại một quán Phở của người Việt, may mắn là họ chấp nhận cho tôi làm việc vào cuối tuần nên tôi có thể sắp xếp phù hợp với thời gian học tập. Nói chung, sinh viên Việt Nam thường hay làm việc tại các nhà hàng châu Á, và  mức lương họ trả (đáng buồn) là thường thấp hơn so với quy định, chỉ khoảng 4 - 6eu/giờ. Chủ nhà hàng (Trung Quốc hoặc Việt Nam) thường lợi dụng tâm lý muốn làm thêm của sinh viên để ăn bớt  tiền lương hoặc giao cho họ những công việc nặng nhọc, quá thời gian quy định. Tuy nhiên, bạn được ăn miễn phí tại quán và chỉ cần làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, thì trong mấy tháng hè là bạn có thể có một khoản tiền dư dả đủ để chi trả cho năm học sau.

Ở lớp tôi, có mấy bạn nữ làm thêm việc trông trẻ. Thường là trẻ cũng khá lớn, độ 5 - 7 tuổi. Người trông trẻ phải đón trẻ từ trường học về, trông chừng cho trẻ được an toàn, nhắc trẻ tắm, học bài hoặc chơi đùa với chúng chờ bố mẹ trẻ đi làm về. Có bạn lại xin được việc dọn dẹp nhà cửa. Yêu cầu là phải làm rất sạch sẽ, chỉn chu. Nếu làm có tín nhiệm sẽ có nhiều người thuê. Làm với người Pháp bạn được trả đủ 8 euro/giờ, rất sòng phẳng, nghiêm túc. Một số khác thì làm sắp xếp hàng hóa trong siêu thị... Tuy nhiên, trong vấn đề làm thêm bạn phải tính toán sao cho không ảnh hưởng đến học tập, tránh trường hợp làm mệt quá đến lớp ngủ gật, phải thi lại thì tốn kém đủ đường.

Qua làm thêm tại Pháp, tôi mở rộng thêm nhiều mối quan hệ, giới thiệu việc làm cho các bạn sinh viên Việt Nam. Tôi được tiêu chính những đồng tiền do sức lao động của mình bỏ ra, đỡ đần cho bố mẹ, từ đó tôi biết trân trọng giá trị đồng tiền hơn, biết tiêu xài một cách hợp lý hơn. Đặc biệt, tôi thấy mình trưởng thành hơn, có thể tự lập ở một môi trường mới, có thêm nhiều kinh nghiệm cả về cuộc sống lẫn công việc. Và đó cũng là một trải nghiệm không thể quên trong những ngày tháng sống và học tập tại nước Pháp tươi đẹp.

TRẦN HẢI NINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh