CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:56

Kinh nghiệm hòa nhập cuộc sống mới cho du học sinh

 

Khi đến môi trường mới, người Việt thường có tâm lý thu mình lại, ngại tiếp xúc với người khác do tự ti, lo sợ họ sẽ đánh giá mình. Vì tâm lý này,nhiều du học sinh Việt thường tách ra ở một mình hoặc ở chung với nhau, trong khi cách tốt nhất để hòa nhập, học ngoại ngữ và văn hóa người bản xứ là ở chung với họ.

 

Nguyễn Hà Duy, sinh viên khoa Luật, Đại học tổng hợp quốc gia Astrakhan, Nga. Ảnh: NVCC.


Sự thay đổi môi trường tạo ra tâm lý bất ổn mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để thích nghi. Có những thói quen của người Việt buộc chúng ta phải thay đổi khi sinh sống ở nước ngoài, như nói chuyện, tụ tập ồn ào, hay các thói quen trong ăn uống, sinh hoạt. Với sự thẳng thắn trong suy nghĩ, người nước ngoài sẽ góp ý với các bạn nếu thấy không phù hợp. Chính điều này tạo ra cho các bạn du học sinh ý nghĩ rằng mình không được yêu thích, bị phân biệt đối xử và ngày càng thu mình lại.

Những điều lạ lẫm trong môi trường mới buộc bản thân phải chấp nhận sự khác biệt, tìm cách vượt qua. Nếu không vượt qua được, rất có thể chúng ta phải sống những ngày còn lại với sự tự ti, mặc cảm, với lối suy nghĩ rằng mình đã chọn nhầm đất nước du học, rằng môi trường này không phù hợp, không đủ điều kiện để mình phát triển. Đã có nhiều bạn du học 5-6 năm khi về nước vẫn hoàn toàn không biết gì về những điều cơ bản trong văn hóa bản xứ.

Để giải quyết vấn đề sốc văn hóa và hòa nhập được với môi trường mới, điều đầu tiên các bạn du học sinh nên làm là tìm đến sự giúp đỡ của Hội sinh viên, những người đi trước. Các anh chị có kinh nghiệm sẽ đưa ra cho bạn được lời khuyên chi tiết và hữu ích.

Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là con đường nhanh nhất để kết bạn với người bản địa và hòa nhập môi trường sống của họ. Bạn hãy cứ thể hiện mọi khả năng của bản thân, người nước ngoài rất thích và luôn khích lệ điều đó. Nếu biết nhảy, bạn có thể tham gia câu lạc bộ nhảy của sinh viên. Nếu có máy ảnh, đừng ngại cầm nó lên và lang thang trong thành phố, bạn sẽ gặp rất nhiều người thú vị. Nếu biết nấu ăn, hãy mời mọi người thưởng thức món ăn Việt Nam, tìm cách giải thích cho họ về những điều thú vị trong ẩm thực Việt để gắn kết hơn.

Người phương Tây thường rất thích làm những trò "quái", vậy nên đừng ngại rủ họ thực hiện video cover lại các bản nhạc nổi tiếng, quay clip theo các phong trào hot trên mạng xã hội. Một thực tế đã được bản thân "kiểm chứng" là càng quậy, càng năng động, chúng ta sẽ càng dễ hòa mình vào môi trường mới.

Các tân du học sinh cũng cần làm quen với văn hóa xếp hàng, nói "cảm ơn", "xin lỗi", văn hóa đúng giờ… và luôn giữ thái độ lịch thiệp khi giao tiếp để giữ hình ảnh một Việt Nam văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.

Tại trường học Tây, tự học luôn được đề cao. Thầy cô sẽ ít khi nhắc nhở và bạn bè cũng không mấy ai quan tâm xem bạn học như thế nào. Nhiều nơi, khi chia nhóm đầu năm, họ sẽ không nhận bạn, hoặc xếp bạn vào nhóm của những người ngoại quốc khác. Trong trường hợp đó, hãy mạnh dạn xin vào nhóm mà bạn muốn và chứng minh cho họ thấy khả năng của mình. Nếu không làm như vậy, bạn sẽ rất dễ bị tách ra khỏi lớp và càng cảm thấy đơn độc hơn.

Tính trung thực, thẳng thắn cũng là điều rất quan trọng để bạn hòa nhập được vào môi trường học tập, sinh sống ở phương Tây. Nếu chưa làm bài, bạn cứ nói là "chưa", nếu không làm được, hãy nói "không", đừng vòng vo lý do này nọ vì bạn sẽ mất điểm trầm trọng trong mắt giáo viên. Việc tích cực đóng góp ý kiến trong lớp sẽ giúp bạn nhanh tiến bộ. Tuy nhiên, hãy phân biệt giữa "tích cực" và "thích thể hiện". Nói quá nhiều, đưa ra quá nhiều ý kiến cá nhân sẽ không nhận được cảm tình của mọi người.

Theo NGUYỄN HÀ DUY / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh