THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:45

Chuyện giờ mới kể về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của Gốm Chu Đậu

Những người yêu gốm như "hơi thở"

Đây là một tác phẩm rất đặc biệt, một sáng tạo độc đáo và tài hoa độc nhất vô nhị của thư pháp Việt Nam đương đại. Với đủ các thể thư pháp truyền thống Triện, Lê, Khải, Thảo Hành và hai thể thư pháp mới do nhà thư pháp Lê Thiên Lý sáng tạo là "Nhân Diện Thư" và "Vật Điểu Thư" . 1000 chữ Long mỗi chữ mỗi vẻ, không chữ nào giống chữ nào tạo thành bức tranh liên hoàn kỳ thú.

Nhân kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, các nghệ nhân gốm Chu Đậu cùng với nhà thư pháp Lê Thiên Lý – Chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Hải Phòng đã cho ra đời tác phẩm đĩa 1000 chữ Long viết bằng thư pháp dưới men.

Kể về nguồn gốc ra đời của tác phẩm nghệ thuật này, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Chu Đậu cho biết: "Từ suy nghĩ Thăng Long – Hà Nội có ý nghĩa là 'Rồng bay lên' và đĩa gốm hình tròn biểu tượng cho trời, các nghệ nhân Gốm Chu Đậu đã nảy ra ý tưởng làm một chiếc đĩa gốm kích thước lớn được vẽ 1.000 chữ 'Long' tượng trưng cho 1.000 con Rồng đang bay trên bầu trời".

Chuyện giờ mới kể về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của Gốm Chu Đậu - Ảnh 1.

Chiếc đĩa 1.000 chữ 'Long' viết bằng thư pháp đạt kỷ lục Guiness thế giới

Ý tưởng này được đưa ra, các nghệ nhân Chu Đậu đều hứng khởi tán thành. Nhưng để chế tác được chiếc đĩa gốm đường kính 1,2 mét, kích thước đĩa lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó bằng phương pháp hoàn toàn thủ công là một thách thức không hề nhỏ đối với bất kỳ người thợ nào.

Tác phẩm đĩa 1000 chữ Long được 10 nghệ nhân gốm Chu Đậu cùng nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý làm thủ công qua nhiều công đoạn như: Làm khuôn – Làm nguyên liệu – Đổ mộc – Truốt nhẵn – Vẽ hoa văn họa tiết – Phủ men – Nung đốt, trong vòng 200 ngày mới hoàn thiện xong tác phẩm nghệ thuật này.

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho biết, về khâu chọn đất để làm phải là đất sét trắng vùng Trúc Thôn, Chí Linh, Hải Dương – Vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ khí thiêng đất trời, gắn liền với những anh hùng dân tộc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Cao lanh được lấy tại vùng núi phía Bắc Phú Thọ, nơi hùng thiên đất Việt (đất tổ Vua Hùng), nơi đây đã được các Vua Hùng chọn làm kinh đô nước Việt. Kết hợp với nguồn nước sông Thái Bình linh thiêng từ Lục Đầu Giang đổ về (hay còn được gọi là Lục thủy tứ chấn – Nơi hội tụ của 6 con sông). Sau khi vẽ hoàn chỉnh, sản phẩm được phủ lên một lớp men tự nhiên được chiết xuất từ tro trấu – dòng men đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam. Chính vì thế gốm Chu Đậu có màu men đặc trưng riêng biệt so với các dòng gốm khác trên thị trường.

Chuyện giờ mới kể về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của Gốm Chu Đậu - Ảnh 2.

Nét đặc sắc nhất của chiếc đĩa Chu Đậu lớn nhất Việt Nam là 1.000 chữ "Long" được viết trực tiếp trên đĩa chính là 1.000 bức tranh ký họa về chân dung con người

Ông Lưu, người nung gốm, tiết lộ "chuyện bếp núc" khi thực hiện đĩa gốm lớn nhất Việt Nam: "Lò nung có trị giá lớn gấp vài chục lần lò nung các sản phẩm gốm thường. Thời gian nung lâu hơn, tốn nhiều nguyên vật liệu hơn. Để đĩa gốm không có lỗi (tức không bị rạn, không vết nứt, dù chỉ nhỏ như sợi chỉ) thì việc chọn nguyên liệu đất sét có yếu tố quyết định đầu tiên, sau đến kỹ thuật giữ lửa khi nung".

Nét đặc sắc nhất của chiếc đĩa Chu Đậu lớn nhất Việt Nam là 1.000 chữ "Long" được viết trực tiếp trên đĩa chính là 1.000 bức tranh ký họa về chân dung con người. Do vậy, chiếc đĩa đặc biệt này là đỉnh cao của tinh hoa văn hóa Việt Nam về cả nghệ thuật gốm và thư pháp. Ðây chính là sự khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đất nước, bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Lưu truyền bản sắt Việt - Tỏa sáng năm châu

Theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, trong gần hai tháng ông mới hoàn thành việc viết 1.000 chữ "Long" thư pháp trên chiếc đĩa khổng lồ. "Ðây là lần đầu tiên tôi viết thư pháp trên đĩa gốm Chu Ðậu - dòng gốm cổ có gần 600 năm lịch sử. Ðiều này thể hiện ý nghĩa rất lớn, tượng trưng cho trí tuệ và tài năng của người Việt Nam và là quà tặng ý nghĩa dành cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến", ông Lê Thiên Lý chia sẻ.

Điểm nổi bật của chiếc đĩa này là 1.000 chữ long được sáng tạo từ hai lối viết thư pháp mới: 'Nhân diện thư' và 'vật điểu thư'.

Chữ là người (Nhân Diện Thư): Là dũng tướng bảo vệ thành Thăng Long, nhà nho suy tư bên ngòi bút lông, anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc, anh hải quân với biển khơi lộng gió, em bé bên quyển sách, sinh viên thi đỗ thủ khoa…

Chữ là vật (Vật Điểu Thư): Là cây đàn, lá, hoa, con cá, con tôm, quyển sách, cây bút, lưỡng cực âm dương hay bình gốm. Chữ 'Long' còn được biến hóa khôn lường theo dáng rồng chầu, rồng ẩn, rồng múa, rồng bay và bản đồ Việt Nam có đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Viết thư pháp trên đĩa gốm cỡ lớn như vậy là lần đầu tiên tôi kết hợp cùng Gốm Chu Đậu, dòng gốm cổ có gần 600 năm lịch sử. Điều này thể hiện ý nghĩa rất lớn, tượng trưng cho trí tuệ và tài năng của người Việt Nam và là quà tặng ý nghĩa dành cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến", ông Lê Thiên Lý cho biết.

Chuyện giờ mới kể về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của Gốm Chu Đậu - Ảnh 4.

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý – Chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Hải Phòng đã cho ra đời tác phẩm đĩa 1000 chữ Long viết bằng thư pháp dưới men.

Tại lễ trao và vinh danh Kỷ lục Guiness thế giới, ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, chia sẻ: Kế thừa giá trị văn hóa với lịch sử gần 500 năm của Gốm Chu Đậu, dưới sự định hướng của Tập đoàn BRG, Ban Lãnh đạo Công ty đã ngày đêm trăn trở tìm ra những hướng đi mới, quyết liệt và táo bạo hơn, kết hợp với bàn tay tài hoa, trí sáng tạo của những nghệ nhân và người thợ làm gốm để tạo ra hàng nghìn tác phẩm tiểu biểu, đặc sắc, mang đậm văn hóa Việt Nam.

Ngày 09/09/2019, Công ty CP Gốm Chu Đậu thuộc Tập đoàn BRG đã vinh dự được tổ chức Kỷ lục thế giới xác nhận tác phẩm: Đĩa 1.000 chữ 'Long' viết bằng thư pháp đạt kỷ lục Guiness thế giới. Trước đó, năm 2013, chiếc đĩa này đã được Tổ chức Xác lập Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục cho chiếc đĩa có kích thước lớn nhất được vẽ chữ 1.000 chữ 'Long' thư pháp.

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, là một biểu tượng cho văn hóa Việt, được Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn làm quà tặng trong các dịp ngoại giao quan trọng cũng như những sự kiện đối ngoại lớn của đất nước như tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, cuộc họp thượng đỉnh vì hòa bình tại Hà Nội…

Chuyện giờ mới kể về chiếc đĩa kỷ lục thế giới của Gốm Chu Đậu - Ảnh 5.

Điểm nổi bật của chiếc đĩa này là 1.000 chữ long được sáng tạo từ hai lối viết thư pháp mới: 'Nhân diện thư' và 'vật điểu thư'

Hiện các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có thủ đô Tokyo của Nhật Bản, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, và thành phố New York của Mỹ. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu tới khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Với nét độc đáo của sản phẩm cùng những nỗ lực làm sống lại và phát triển dòng Gốm Chu Đậu cao cấp mang đậm bản sắc văn hóa Việt, sản phẩm Gốm Chu Đậu tự hào được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng"Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam" và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm Châu".

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh