CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:03

Chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH: Sẽ thuận lợi hơn chứ không gây thêm khó khăn

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tại hội nghị đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề  nghiệp

 

Hội nghị đã thu hút được rất nhiều đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt đại biểu đến từ các trường cao đẳng mới chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý về mặt Nhà nước.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

 

Tìm chìa khóa nâng cao chất lượng GDNN

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, thời gian vừa qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng đã có những bước vận hành và phát triển, nhất là sau khi luật giáo dục nghề nghiệp ra đời. Tuy nhiên GDNN cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức khi tỷ lệ người lao động qua đào tạo còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo gặp khó khăn trong quá trình xin việc làm. Bộ trưởng mong muốn, sau khi Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận công tác giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD-ĐT, công tác GDNN thu về một mối thì sự phối hợp, thống nhất giữa các bộ là rất cần thiết để tạo sức mạnh chung của toàn xã hội trong công tác chăm lo cho người lao động.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

 

Thông qua Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu tập trung bàn các vấn đề khó khăn cần tháo gỡ và bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta bàn thế nào để nâng cao trách nhiệm giáo dục, làm sao để tính thực tiễn cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, quy hoạch mạng lưới theo hướng nào, tiếp cận với các nghề chuẩn quốc tế ra sao?...


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi bên lề HN với các đại biểu

 

Theo mục tiêu đề ra trong dự thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020, hệ thống GDNN đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng GDNN trong đó một số ngành nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển để đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020, đào tạo mới trình độ CĐ, TC cho khoảng 3,2 triệu người (trong đó 10% được đào tạo theo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo); đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 8,8 triệu người (trong đó, hỗ trợ dạy nghề trình độ SC, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật).

 

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại hội nghị


Đến năm 2020, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển kinh tế xã - hội của các Bộ, ngành, địa phương về số lượng, chất lượng và xuất khẩu lao động; có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó khoảng 10 trường tiếp cận với trình độ ASEAN-4 và các nước tiên tiến trên thế giới; hình thành 150 nghề trọng điểm trong đó 50 nghề cấp độ quốc tế, phát triển các trường đặc thù, trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.

 

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề báo cáo về dự thảo đề án

 

100% nhà giáo dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN, 70% nhà giáo dạy các ngành nghề không được đầu tư trọng điểm đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học và được kiểm tra, đánh giá kỹ năng thực hành nghề; 100% cán bộ quản lý GDNN đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý trong đó khoảng 10% được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài.

Xây dựng và ban hành chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu cho từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia, khoảng 70% các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn được ban hành. Tổ chức chuyển giao đồng bộ chương trình của các nghề cấp độ quốc tế và tổ chức đào tạo thí điểm theo chuẩn quốc tế. 

 80% các ngành nghề được ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị đào tạo theo từng trình độ đào tạo; xây dựng và ban hành 80% bộ tiêu chuẩn cơ sở vật chất và bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo của từng ngành, nghề và trình độ đào tạo; 80% cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và thiết bị.

 100% cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý đào tạo; 60% trường CĐ, 40% trường TC và 10% trung tâm GDNN ứng dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học.

60% trường CĐ, 40% trường TC và 10% trung tâm GDNN và 80% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia được kiểm định chất lượng. 70% trường CĐ, 50% trường TC có hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng bên trong tiên tiến, hiện đại.

 Ban hành mới tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 250 nghề;đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 4 triệu người lao động.

 Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đưa ra những khó khăn công tác tuyển sinh của hệ thống GDNN. Đại biểu đại diện Hiệp hội các trường cao đẳng,trung cấp nghề khu vực phía nam cho rằng, việc phân luồng rõ từ cấp phổ thông cở sở là rất quan trọng nhằm định hướng đúng đắn lành mạnh cho các em trong việc lựa chọn hướng đi cho mình, tránh tính trạng các em đổ xô theo xu thế sính đại học, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp đại học thất nghiệp rất cao, còn nhu cầu về nhân lực lao động kỹ thuật có tay nghề lớn nhưng lại không tuyển sinh được.  Đại biểu này nêu kiến nghị, cần có sự cam kết phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH để thực hiện công tác phân luồng này. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giảng dạy tại các hệ thống trường cao đẳng, TCNN này cũng cần phải nâng cao để tạo niềm tin đối với phụ huynh khi cho con em mình vào trường học.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II phát biểu tại HN

 

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II thì chưa bao giờ có một sự vô lí như hiện nay, doanh nghiệp rất cần lao động có tay nghề và đặt hàng các trường rất nhiều nhưng các trường lại không tuyển sinh được. Theo bà Hằng, nguyên nhân là do công tác khảo sát và hướng nghiệp của các trường còn thiếu và sự trông chờ vào cơ chế, chính sách của Nhà nước làm cho các trường thiếu tính chủ động. Bên cạnh đó, sự liên kết với DN của các trường chưa thực sự đúng chuẩn. Bà Hằng cho rằng, hợp tác với DN cần biến DN là chủ thể chính trong sự hợp tác đó thì hiệu quả sẽ cao hơn. Và để trường có thể tự chủ được thì DN là đối tác rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu cho biết, chất lượng đào tạo nghề phải đáp ứng được nhu cầu của DN, qua theo dõi nhiều nơi chưa quan tâm yếu tố này. Làm sao bằng cấp được các nước ASEAN công nhận. Thực tế hiện nay trình độ tay nghề, đặc biệt ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa theo kịp với các nước... Bà cho rằng, cần có tác động bằng chính sách để DN tạo điều kiện cho học sinh thực tập tại các DN.

Nghệ sĩ Đức Hải - Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng rất cần sự công bằng giữa các trường giữa công lập và tư lập…

Một số ý kiến khác cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường, cần xác định các trường trọng điểm để đầu tư tập trung, đúng hướng, những trường nào nhỏ quá, hoạt động kém hiệu quả có thể ghép lại hoặc chuyển đổi chức năng,…

Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong đề án cũng đã đề cập đến quy hoạch lại mạng lưới theo hướng không nhất thiết ở mỗi địa phương đều phải có trường và ở địa phương nào cần thì cũng có thể có nhiều trường. Các trường cần phải cam kết tiến tới tự chủ toàn phần hoặc theo lộ trình từng phần.

Tự chủ là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam đánh giá cao sự nhạy bén và tinh thần trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH khi tổ chức Hội nghị vào thời điểm vừa chuyển giao. Qua đó, Phó thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, nêu lên những khó khăn vướng mắc khi chuyển giao và khẳng định chuyển giao chức năng quản lý nhà nước trong công tác giáo dục nghề nghiệp về một bộ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đào tạo chứ không gây khó khăn thêm.

Phó thủ tướng cho rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp thì công tác đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp, lấy tiêu chí sự hài lòng và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đưa ra hướng đào tạo nhân lực chuẩn. Bộ LĐ-TB &XH cần dựa vào các trường để xây dựng cơ sở học liệu mở thông qua công nghệ thông tin; cần nghiên cứu thực hiện hình thức liên thông để nâng cao trình độ kiến thức cho người lao động, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ; tạo điều kiện để các trường được tự chủ, xem việc tự chủ là chìa khóa đầu tiên để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; cho phép các trường, các cơ sở đào tạo có các xưởng sản xuất. Cuối cùng Phó thủ tướng khẳng định, đổi mới là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng và ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Bộ trưởng khẳng định, mỗi nội dung trong đề án sẽ kèm theo các giải pháp để thực thi, nghiên cứu ứng dụng và thực hành đồng hành, song song tạo thành tháp nhân lực. Bộ GD và ĐT và Bộ LĐ TB & XH sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn. Mục tiêu thời gian tới là nâng cao số lượng người học nghề, người ra trường có việc làm, người đủ điều kiện có nhu cầu thì được học lên, dần dần thay đổi nhận thức của giới trẻ, của phụ huynh về con đường học nghề.

ĐINH HOA- LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh