Lấy ý kiến đóng góp Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020”
- Tây Y
- 13:26 - 13/01/2017
Toàn cảnh buổi họp
Báo cáo về những nội dung chính của Dự thảo Đề án, TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và cao đẳng nghề; đã quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, từng địa phương và trình độ đào tạo. Chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở GDNN vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp không hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Công tác quản lý nhà nước về GDNN cũng chưa thoát được tư duy bao cấp, kế hoạch hóa, chưa đủ sức kiến tạo giáo dục nghề nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội nghị
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học - công nghệ. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020” là cần thiết nhằm tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội.
Dự thảo Đề án cũng đưa ra 10 nhóm giải pháp để đổi mới giáo dục nghề nghiệp gồm: Đổi mới công tác quản lý về GDNN; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN; Đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức, quản lý đào tạo; Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; Chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị; Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong GDNN; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN, thúc đẩy công nhận bằng cấp và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp đột phá là đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp, cần rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp và các luật có liên quan; ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo; áp dụng chuẩn của các nước phát triển để hình thành đội ngũ giáo viên hạt nhân đạt chuẩn quốc tế có đủ năng lực.
Đóng góp cho Đề án các đại biểu đến từ hiệp hội ngành nghề đều cho rằng việc xây dựng đề án là hết sức quan trọng và cần thiết. Đề án đã nêu được những vấn đề “nóng” hiện nay trong GDNN, đó là vấn đề chất lượng đào tạo, vấn đề xã hội hội hóa và trao quyền tự chủ cho các trường, vấn đề đầu ra cho học sinh, sinh viên....
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chúng tôi nhận thức sẽ nặng nề hơn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn"
Phát biểu tại hội nghị Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo phân công của Chinh phủ từ 1/1/ 2017 đã chính thức giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN. Đến nay đã có 1989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ quản lý. Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này là xác định rõ quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN.
"Hiện nay từ “quản” cũng có nhiều người hiểu nhầm là cơ quan chủ quản, đơn vị chủ quản, doanh nghiệp chủ quản. Vì vậy tôi xin nói rõ nguyên tắc: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN, Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ va thay mặt Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Còn về chủ quản vẫn do các Bộ, ngành, các tỉnh và các doanh nghiệp quản lý các trường. Quan điểm của Bộ là Chính phủ phân công đến đâu thì Bộ làm đến đó. Chúng tôi nhận thức sẽ nặng nề hơn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn bởi vì trước kia là phân tán. Tôi đã giao cho TCDN xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN”. Điểm yếu của chúng ta hiện nay chính là chất lượng GDNN”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung, ngày 16/1/2017 tới đây tại TP Hồ Chi Minh, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức Hội nghị lớn với sự tham gia của trên 400 cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trên cả nước nhằm lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện cho Đề án này.