CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:07

Chuyên gia giáo dục nói về vụ điểm thi Hà Giang 'cao bất thường'

 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018.


Điểm thi Hà Giang “cao bất thường”: Quy trình chặt nhưng được vận hành bởi con người

Ông Đào Tuấn Đạt - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đã thẳng thắn nhận xét về kết quả thi THPT quốc gia “cao bất thường” của tỉnh Hà Giang năm nay.

Theo ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), thống kê của Bộ GĐ&ĐT cho thấy, cả nước có 925.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018, Hà Giang là 5.500 thí sinh. Nghĩa là số thí sinh dự thi của cả nước lớn gấp 168 lần số lượng thí sinh ở Hà Giang.

Thế nhưng cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm gần một nửa.

“Đây là một kết quả đáng ngờ. Với một đề thi chung thì số điểm giỏi sẽ nằm rải rác ở các địa phương và thường tập trung ở những địa phương có truyền thống và thành tích giáo dục cao như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa... và điểm giỏi thông thường sẽ tập trung ở những địa phương này. Hà Giang không phải là địa phương có truyền thống và thành tích giáo dục cao mà lại tập trung gần một nửa số điểm cao của cả nước thì rất khó tin. Đồng thời tôi để ý thấy đây là khối A1, trong đó có môn tiếng Anh vốn là thế mạnh của học sinh các thành phố lớn, trong khi phổ điểm tiếng Anh của cả nước đang nghiêng về phía điểm thấp còn Hà Giang thì ngược lại”, ông Đạt khẳng định.

Về điều này, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định cũng cho rằng, thông thường phổ điểm chỉ có một đỉnh và xuôi dốc xuống. Tuy nhiên, theo thống kê điểm môn Vật lý chẳng hạn, có hai đỉnh cao.

“Nếu một vài điểm số thì không thể tạo đỉnh như trên mà phải một bộ phận rất lớn thí sinh có số điểm 9,0 và 9,5 rất cao thì mới thay đổi được phổ điểm và tạo hai đỉnh như vậy. Với một địa phương không có thế mạnh về điểm thi, điều này là vô lý”, thầy Quỳnh nói.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục nổi tiếng ở Hà Nội cũng đưa thông tin, với riêng môn Vật Lý, tỉnh Hà Giang, có tới 65 thí sinh đạt điểm 9-10 trong khi chỉ có 28 đạt được mức 8-9. Tức là số thí sinh đạt 9-10 hơn gấp đôi số thí sinh đạt 8-9. “Thông thường điểm thi cao thì số lượng phải giảm xuống. Tuy nhiên, ở đây hoàn toàn ngược lại. Bất cứ chuyên gia giáo dục nào nhìn vào cũng thấy sự bất thường”, thầy Ngọc nói.

Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: Ăn may hay tiêu cực?

Trước những bất thường của điểm thi THPT quốc gia năm nay, ông Trần Bá Giao, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ GD&ÐT cho biết nếu điểm thi ở môn Toán và môn Lý cao một cách bất thường thì đúng là có vấn đề.

“Có thể đặt giả thuyết như mọi người đang nói là đánh “lụi” (may rủi) trong bài thi trắc nghiệm thì trúng được nhiều hay không”? - ông Giao đặt vấn đề. Mặt khác, theo ông, đề thi hiện nay có 24 mã đề khác nhau, nếu tiêu cực xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ thi phải có sự tiếp tay ở ngoài.

 

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng kiểm tra công tác thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang. Ảnh minh họa.


Vậy liệu có thể tráo bài hay không? Ông Giao cho rằng việc này cũng như việc cho làm lại bài thi rồi đưa vào sau kỳ thi là hơi khó. Vì nó dẫn tới dễ để lộ chứng cứ. Theo ông Giao, khi có hiện tượng bất thường, cần thanh tra hết tất cả các khâu của kỳ thi. Nhưng tất nhiên, thời điểm diễn ra kỳ thi đã qua nên rất khó. Do đó, phải đầu tư nhiều công sức hơn để tìm hiểu. Vì chứng cứ đã bị mờ. Cũng có thể đối chiếu điểm thi của những thí sinh xem kết quả có bất thường với hồ sơ thực học không. Ðây là một kênh để đánh giá. Nhưng kênh này cũng rất khó nếu như có sự chủ ý cố tình từ cấp trên.

Nhiều người bàn về chuyện may rủi trong thi trắc nghiệm. Nhưng liệu một thí sinh có thể ăn may nhiều môn thi không? Hoặc có thể một địa phương có nhiều thí sinh “đánh lụi” thế không?
Là chuyên gia về khảo thí, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ÐH, Bộ GD&ÐT cho biết tự luận hay trắc nghiệm đều có may rủi. Nhưng so với tự luận thì trắc nghiệm ít may rủi hơn. Vì tự luận có thể học tủ, trúng tủ thì may còn trượt tủ thì rủi. Còn trắc nghiệm đề thi phủ kín kiến thức nên ít may rủi hơn. May rủi của trắc nghiệm được thể hiện ở chỗ người không biết gì đánh dấu bừa cũng có thể được xác suất đúng. Nhưng nếu đề trắc nghiệm được thiết kế có nhiều câu thì may rủi ít xảy ra.

C.H (T.H)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh