CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:08

Đại diện trường coi thi ở Hà Giang trả lời về nghi vấn điểm cao bất thường

 

Ngày 13/7, PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng - đơn vị phối hợp Sở GD&ĐT Hà Giang coi thi THPT quốc gia 2018 - nói với Zing.vn rằng thông tin về phổ điểm cao của Hà Giang do báo chí và chuyên gia phân tích, ông không đánh giá.

Về sự phối hợp thực hiện công tác coi thi, ông Khánh nói ngay sau khi có quyết định của Bộ GD&ĐT, Học viện Ngân hàng, Sở GD&ĐT Hà Giang, Cao đẳng Sư phạm Hà Giang bắt tay phối hợp chuẩn bị. Sự phối hợp của các bên đúng theo quy chế và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, Học viện Ngân hàng cử 250 cán bộ coi thi, trong đó có 20 người làm phó điểm thi, 20 thanh tra cắm chốt tại chỗ. Mặc dù không thể tất cả phòng thi của Hà Giang đều có cán bộ của Học viện Ngân hàng, đơn vị này đã lựa chọn người sao cho phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ.

Học viện cũng phối hợp các đơn vị để tập huấn 2 buổi về chuyên môn, liên quan những điểm mới của kỳ thi như bảo mật, ký xác nhận trên bài thi.

Ngày 22/6, cán bộ của học viện có mặt tại Hà Giang. Những thầy cô đến huyện xa nhất là Mèo Vạc, 21h mới tới nơi.

Ông Phạm Quốc Khánh khẳng định trách nhiệm của phó điểm thi, thanh tra cắm chốt, cán bộ coi thi số 1 được thực hiện đúng và đầy đủ. Ngoài ra, trong những ngày thi, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT lên Hà Giang giám sát và động viên. Từ năm 1986 tới nay, đây là lần mưa lũ gây thiệt hại lớn cho tỉnh, trùng với những ngày thi THPT quốc gia.

Theo đại diện Học viện Ngân hàng, về công tác coi thi, ông không có bằng chứng gì về việc gian lận trong phòng thi. Ngoài giảng viên trường đại học, công an, ban chỉ đạo riêng của huyện, bộ phận y tế, đoàn thanh niên… cũng làm nhiệm vụ ở các điểm thi.

Khi được hỏi về mạng xã hội đăng tải về loạt thí sinh của Hà Giang có mức điểm giống nhau, ông Khánh nói không nhận được thông tin nào như vậy.

“Việc sắp xếp phòng thi được thực hiện đúng theo công văn 991 ngày 15/3 của Bộ GD&ĐT. Đợt tập huấn ngày 20/6 tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã quy định, hướng dẫn phát sơ đồ này, các điểm thi không được tự ý thực hiện", ông Khánh nói.

Sơ đồ thứ tự phát bài thi trắc nghiệm là quy định thống nhất trên cả nước. Đó là nguyên tắc mỗi thí sinh đảm bảo trái, phải, trên, dưới, không thể trùng nhau mã đề. Nguyên tắc này có từ thời thi trắc nghiệm. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định mỗi phòng thi có 24 mã đề (tùy thuộc vào số lượng thí sinh nên có phòng có thể ít hơn). Vì vậy, khó có thể có gian lận xảy ra.

Theo vị trưởng phòng đào tạo, sau khi kiểm tra tại các điểm thi, ông thấy khoảng cách ngồi của các thí sinh ở Hà Giang đều thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Kết thúc công tác chấm thi, Học viện Ngân hàng được Bộ GD&ĐT giao làm nhiệm vụ tại Sở GD&ĐT Thái Bình, vì vậy không liên quan việc chấm thi ở tỉnh miền núi Hà Giang.

Hiện tại, Học viện Ngân hàng không nhận được yêu cầu cụ thể nào của Bộ GD&ĐT sau khi có nghi vấn điểm thi tại Hà Giang cao bất thường.

 

TS Trần Nam Dũng (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ ra những bất thường trong điểm môn Toán. Cụ thể, Hà Giang có 57 trên tổng số 5.433 bài (chiếm hơn 1%) đạt từ 9 điểm trở lên. Số bài thi đạt điểm từ 8 trở lên là 107 (gần 2%).

Trong khi đó, với 917.484 bài thi môn Toán, cả nước chỉ có 561 bài đạt từ 9 điểm trở lên (0,06%) và 11.286 bài đạt từ 8 điểm trở lên (1,2 %). Như vậy, tỷ lệ điểm từ 8 của cụm thi Hà Giang gần gấp đôi tỷ lệ chung cả nước, trong khi tỷ lệ điểm từ 9 trở lên thậm chí bằng 16 lần chỉ số trung bình.

Tỷ lệ này cũng cao hơn so với Hà Nội và TP.HCM khi số lượng bài thi đạt từ 9 điểm trở lên của Hà Nội chỉ là 85 trên 78.805 bài (0,1%) và của TP.HCM là 32 trên 78.033 (0,04%).

Tình trạng tương tự xuất hiện ở môn Tiếng Anh. Tỷ lệ bài thi đạt điểm từ 9 trở lên chiếm hơn 1%, gần gấp đôi tỷ lệ chung của cả nước (0,6%). Hà Giang cũng có hai bài thi đạt điểm tuyệt đối, chiếm hơn 2,6% bài thi đạt điểm 10 của cả nước (76 bài).

Vấn đề được thể hiện rõ hơn ở môn Vật lý và Hóa học. Phổ điểm hai môn này cho thấy số lượng điểm từ 9 trở lên cao bất thường.

Ở môn Vật lý, 65 trên tổng số 961 bài thi toàn tỉnh đạt 9 điểm trở lên (gần 6,8%). Số lượng bài thi từ 8 điểm trở lên cũng chiếm số lượng lớn (93 bài), khoảng 9,7%. Tỷ lệ chung của cả nước cho điểm thi từ 8 và từ 9 trở lên lần lượt là 2,9% và 0,15%.

Với môn này, tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi của Hà Giang cao vượt trội so với Hà Nội (0,3% đạt điểm từ 9 trở lên, 5% bài đạt từ 8 trở lên) và TP.HCM (0,08% bài từ 9 trở lên, 2% từ 8 trở lên).

Môn Hóa học có đến 55 trong tổng 936 bài đạt điểm giỏi (5,9%). Trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước là 2,6%; ở Hà Nội, TP.HCM lần lượt là 4% và 2,2%. Ở khối thi A1, Hà Giang có 36 bài thi đạt trên 27 điểm. Cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Như vậy, Hà Giang (với hơn 5.000 thí sinh) chiếm tới gần một nửa số bài thi đạt trên 27 của cả nước (gần 1 triệu em).

P.V (tổng hợp theo zing.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh