THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:22

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề du lịch

Hội thảo trực tuyến Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch do trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức

Hội thảo trực tuyến "Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch" do trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức

Theo ThS. Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề du lịch nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực để trở thành công dân số toàn cầu.

Hội thảo “Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề Du lịch” được nhà trường tổ chức nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói chung, đào tạo nghề du lịch tại Việt Nam nói riêng.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng chuyển đổi số vào giáo dục nghề nghiệp là một xu hướng tất yếu. Mục tiêu hướng tới trong tương lai là tạo bước đột phá mạnh mẽ về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, tăng tính tự chủ của đơn vị đào tạo, giúp người học chủ động trong việc học tập của mình.

TS. Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng GDNN (Tổng cục GDNN - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dịch Covid-19 đang tác động lớn đến hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để hỗ trợ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, cơ sở GDNN và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để có thể thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi cũng như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất.

Tổng cục GDNN cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các địa phương, cơ sở GDNN tổ chức các hoạt động; hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở GDNN trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến.

Trong thời gian tới, trọng điểm ưu tiên là xây dựng hệ thống đào tạo chất lượng cao, có giá trị bền vững bao trùm và tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ GDNN, học tập suốt đời. Đồng thời sẽ triển khai Khung trình độ quốc gia với cấu trúc quản trị bảo đảm chất lượng và liên thông trình độ, tham chiếu và công nhận lẫn nhau. Xây dựng và phát triển hạ tầng chuyển đổi số, nguồn dữ liệu GDNN và các lĩnh vực ngành nghề, phát triển khoa học dữ liệu; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về GDNN.        

Theo ông Trần Hữu Thuỳ Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội, xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số. Ngành du lịch Huế cũng đang áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số vào công tác quản lý, quảng bá sản phẩm, điểm đến tham quan, xây dựng các sản phẩm số, trải nghiệm thông minh. Số hoá các di sản văn hoá, ẩm thực, thời trang,.. đặc trưng vùng đất, con người. Huế cũng hợp tác với các đối tác quảng bá du lịch trên các nền tảng công nghệ; đặt tour, mua vé online, thanh toán không dùng tiền mặt… Sự chuyển đổi số trong du lịch cũng sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố phải dịch chuyển theo, trong đó bao gồm chất lượng của nguồn nhân lực.

Áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại Thừa Thiên Huế

Áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại Thừa Thiên Huế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, một vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để khắc phục được những khó khăn hiện nay, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để phục hồi ngành “kinh tế mũi nhọn” ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Giải pháp tối ưu là ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch sẽ giải quyết được bài toán nguồn cung nhân lực, tránh tình trạng “đứt gãy” thị trường lao động. 

Với những thành tựu về khoa học công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự thay đổi về xu hướng du lịch, thị hiếu của du khách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thì sẽ xuất hiện các công việc mới như nhân viên marketing du lịch ảo, hướng dẫn viên du lịch công nghệ, nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến... Do đó, đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức để đổi mới tư duy, thay đổi hình thức đào tạo nhằm tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay.

Sinh viên Cao đẳng Du lịch Huế học tập trong phòng thư viện

Sinh viên Cao đẳng Du lịch Huế học tập trong phòng thư viện

Để ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo nhân lực du lịch diễn ra thuận lợi và hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Huế nói riêng và các trường đào tạo về du lịch nói chung tập trung vào các giải pháp gồm có: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn ngành đến từng cán bộ, giảng viên và học sinh của nhà trường. Tập trung triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hình thức dạy và học trực tuyến qua mạng; quản lý các khóa học trực tuyến đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện mở trường mở lớp, thẩm định cấp phép nội dung, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.

 Đồng thời triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên giảng viên, học sinh sinh viên. Việc chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là tăng cường các thiết bị, ứng dụng máy móc công nghệ vào giảng dạy mà khi chuyển lên môi trường số cần thay đổi cách học tập, làm sao để người học chủ động, tự định hướng, hợp tác và có hứng thú. Tốc độ học tập cần phù hợp vào năng lực học sinh, tổ chức học linh hoạt để người học có thể học được mọi lúc, mọi nơi. 

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh