Chương trình “Sữa học đường”: Hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc
- Giáo dục nghề nghiệp
- 19:14 - 26/09/2018
Đề án chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội.
Trước những băn khoăn, lo lắng và bức xúc của phụ huynh về sữa học đường, chiều 25/9, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải một số thắc mắc về chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh trên địa bàn giai đoạn 2018 – 2020.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến (bên phải) cho biết, việc tham gia chương trình “Sữa học đường” của các em học sinh là trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.
Trả lời về việc học sinh có bắt buộc phải tham gia chương trình sữa học đường hay không? Các con có thể mang sữa về nhà được không? Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký và cho con tự đưa sữa ở nhà đến trường uống được. "Về tinh thần, việc tham gia là tự nguyện, không bắt buộc. Với những phụ huynh không có nhu cầu cho con tham gia thì hoàn toàn không cần phải đăng ký và không ai có thể bắt buộc. Thậm chí, kể cả dù đã đăng ký tham gia, nếu thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng tham gia bất cứ lúc nào. Tôi muốn sữa học đường phải được thụ hưởng và quản lý tại trường, chúng tôi sẽ có cơ chế để quản lý. Đặc biệt, học sinh hoàn toàn có thể mang vỏ hộp về cho phụ huynh xem thành phần, hạn sử dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một ngày tiêu thụ từ 1 triệu đến 1,1 triệu hộp sữa, làm gì có hàng tồn", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cho biết, hiện đang đấu thầu theo quy định. Có 7 đơn vị tham gia đấu thầu nhưng chắc chắn phải là các hãng sữa lớn tham gia đề án sữa học đường bởi nếu mỗi cháu một hộp thì mỗi ngày đã sử dụng hàng triệu hộp sữa nên các hãng sữa lớn mới đáp ứng được. “Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra, ngày đóng thầu sẽ là ngày 1/10 sắp tới. Tôi tin, chỉ những hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được việc cung cấp. Nếu chất lượng sữa không đảm bảo, một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa bị vấn đề thì thương hiệu đó có thể bị phá sản, thất thu. Về tiêu chuẩn sữa, ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào. Có thể khẳng định, sữa này khác cơ bản so với các loại sữa đang bán ngoài thị trường bởi trong đó, bổ sung nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao. Còn Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở GD&ĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống”, ông Tiến nói.
Làm rõ thêm các vấn đề, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, với trẻ em, sữa còn quan trọng hơn vì nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu. Sữa học đường được bổ sung vi chất. Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn. Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều rất quan tâm tới điều này. “Có 2 giai đoạn là dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì. Chương trình sữa học đường với mục tiêu bổ sung sữa cho trẻ em, cũng là căn cứ dựa theo đề án tổng thể nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới”, PGS.TS Bùi Thị Nhung cho hay.
Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Mục tiêu của đề án khai nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo cơ chế hỗ trợ Đề án sữa học đường trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo cận nghèo; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%. Đối với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp. Mức giá một hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/ hộp/180ml. Tức mỗi học sinh bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70 nghìn đồng. |