THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Chương trình Kỹ năng tương lai làm nên sự khác biệt của Singapore

Singapore được biết đến là một hòn đảo nhỏ khu vực Đông Nam Á, diện tích chỉ vẻn vẹn trên 700 ki lô mét vuông với dân số gần 6 triệu người (xếp thứ 114 trên thế giới). Nguồn nguyên liệu tự nhiên rất hạn chế, hầu như phải nhập từ nước ngoài. Người singapore cho rằng, họ chỉ có 3 thứ trong tay “Mặt trời, biển và không khí”. Tuy nhiên, sau 30 năm công nghiệp hóa thành công, tính đến năm 2019, nền kinh tế đất nước này đã xếp thứ 34 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 101.376 USD, đứng thứ 2 thế giới. Điều gì khiến quốc đảo nhỏ này đạt những thành tựu thần kỳ về kinh tế như vậy? 
Có chuyên gia cho rằng, phát triển chính sách sáng tạo, đầu tư chú trọng đúng đắn cho phát triển nguồn nhân lực, theo đó tập trung các chính sách đặc thù có sáng tạo, giúp người dân luôn tiếp cận được sự lựa chọn phù hợp, dễ dàng trên con đường nghề nghiệp theo các giai đoạn, lứa tuổi khác nhau, từ đó tạo được một lực lượng lao động có kỹ năng, năng lực hành nghề đồng bộ, đồng đều trong độ tuổi lao động khác nhau, có sự kết nối giữa các trình độ và thế hệ dựa vào kỹ năng... là những yếu tố tạo sức mạnh tổng hợp, bền vững, toàn diện và bao trùm của nền kinh tế Singapore. 
Để tìm hiểu về một số chính sách đặc thù này của Singapore, Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giới thiệu về một chính sách đặc thù phát triển kỹ năng của Singapore– SkillsFuture (Chương trình Kỹ năng tương lai) đang làm lên sự khác biệt của Singapore ngày nay.

I. Tổng quan về Chương trình Kỹ năng tương lai

Chương trình Kỹ năng tương lai (SkillsFuture, sau đây gọi tắt là Chương trình) là một chính sách được Chính phủ Singapore triển khai thực hiện từ năm 2015. Mục tiêu tổng quát của chương trình là để hỗ trợ phát triển nền kinh tế Singapore ở những giai đoạn tiếp theo thông qua chính sách phát triển kỹ năng và học tập suốt đời cho công dân Singapore: Mọi công dân Singapore dù ở bất kỳ vị trí, hoàn cảnh, trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc đều có cơ hội phát triển tối đa về kỹ năng và năng lực của bản thân. Chương trình bao gồm một số sáng kiến – cấu phần cốt lõi (chẳng hạn như: Gói tín dụng SkillsFuture, chuyển đổi nghề nghiệp,…), dành cho nhiều đối tượng trong đó tập trung vào sinh viên, người trưởng thành, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo. Nói chung, chương trình Kỹ năng tương lai liên quan tới một loạt các công cụ chính sách với phạm vi đối tượng thụ hưởng nhiều hơn, trong thời gian lâu hơn, hỗ trợ một cách tốt nhất các nguồn lực để sinh viên, người lao động đạt được mức độ thành thạo của kỹ năng nghề nghiệp.

Chương trình Kỹ năng tương lai Singapore - SkillsFuture Singapore - Ảnh 1.

Công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên đều có cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng SkillsFuture của Chính phủ với mức hỗ trợ 500 đô la Singapore trở lên để tham gia đào tạo phát triển kỹ năng. Tính đến cuối năm 2017, tổng số công dân Singapore được hỗ trợ từ gói tín dụng là 285.000 người, tương ứng với 18.000 khóa đào tạo kỹ năng được triển khai.

Chương trình đã thiết lập hệ thống đào tạo đa cấp độ với hàng chục sáng kiến và chương trình khác nhau nhắm tới nhu cầu về phát triển kỹ năng ở các nhóm đối tượng khác nhau như sinh viên, người lao động ở các giai đoạn khác nhau của nghề nghiệp; đầu tư, hợp tác với các ngành công nghiệp khác nhau để mở rộng đối tác doanh nghiệp tư nhân, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và người sử dụng lao động cùng tham gia phát triển kỹ năng cho người lao động. The báo cáo ngân sách năm 2018, Chính phủ Singapore đã dành khoản đầu tư 220 triệu đô la để triển khai những kế hoạch, chính sách và chiến lược phát triển kỹ năng thông qua chương trình kỹ năng tương lai.

II. Bốn mục tiêu của chương trình

1. Hỗ trợ công dân Singapore có được những lựa chọn đúng đắn về giáo dục, đào tạo và nghề nghiệp.

Chính phủ Singapore thiết lập hệ thống tư vấn, hướng nghiệp hoàn thiện được triển khai ở tất cả cấp học phổ thông đến cơ sở đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học và tiếp diễn trong suốt quá trình nghề nghiệp của mỗi người dân. Thông qua các chương trình hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ, các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo, người dân Singapore tiếp cận được một cách đầy đủ thông tin về các ngành nghề, ngành công nghiệp liên quan từ rất sớm. Họ cũng được tiếp cận những thông tin thực tế về việc làm và những thay đổi nhu cầu của thị trường lao động.

2. Phát triển hệ thống giáo dục đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường lao động

Nền giáo dục và đào tạo Singapore được đánh giá, tổng kết thường xuyên và theo định kỳ để đảm bảo hệ thống này luôn được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực chuyên môn thường xuyên của người dân, đáp ứng nhu cầu về phát triển chuyên sâu.

3. Thúc đẩy người sử dụng lao động về việc công nhận và phát triển nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và kỹ xảo

Người sử dụng lao động được tham gia vào quá trình thiết kế và triển khai một khung để người lao động có thể thăng tiến trong nghề nghiệp thông qua việc phát triển kỹ năng.

4. Nuôi dưỡng văn hóa để hỗ trợ và tôn vinh việc học tập suốt đời

Đây là quá trình lâu dài nhằm tôn vinh, coi trọng những kỹ năng, giá trị của thành quả lao động mà lao động có kỹ năng tạo ra trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời đề cao văn hóa học tập suốt đời để đáp ứng yêu cầu của công việc, sự đam mê và phát triển nghề nghiệp mỗi cá nhân.

III. Những cơ chế, chính sách qua chương trình kỹ năng tương lai

1. Đối với người dân Singapore

Thông qua Chương trình, Chính phủ Singapore đã thiết lập hệ thống đào tạo với nhiều trình độ khác nhau nhắm tới các nhóm xã hội khác nhau để đáp ứng nhu cầu nâng cao, bổ sung kỹ năng thiếu hụt cho người lao động, giúp họ tìm việc làm, chuyển đổi, thăng tiến nghề nghiệp, đặc biệt là hình thành văn hóa học tập suốt đời. Để đạt được điều này, bên cạnh hệ thống đào tạo đa cấp độ, hàng chục chính sách về phát triển kỹ năng nghề cho đối tượng sinh viên, người lao động thường trú hoặc là công dân Singapore được triển khai, cụ thể như sau:

1.1. Giáo dục và định hướng nghề nghiệp

Hệ thống giáo dục và định hướng nghề nghiệp Singapore (Education and Career Guidance - ECG) tiếp cận đối với người dân Singapore từ rất sớm, bắt đầu từ giáo dục phổ thông tới các trường nghề, trường cao đẳng, các trường dự bị đại học, đại học và kéo dài theo suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp của người lao động.

Ở các trường tiểu học, trung học phổ thông, phổ thông chuyên biệt, dự bị đại học, học sinh tiếp cận với giáo dục và định hướng nghiệp thông qua các môn học giáo dục hướng nghiệp tại trường, sự định hướng của đội ngũ giáo viên, các chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp với thông tin về các ngành công nghiệp, nghề nghiệp, các khóa đào tạo và cơ sở đào tạo.

Trong các trường giáo dục kỹ thuật (ITE), cao đẳng đa ngành (polytechnics), mỗi sinh viên được bố trí tối thiểu từ 40 đến 60 giờ để tham gia các chương trình hướng nghiệp tại trường, các chương trình tham quan ngành công nghiệp, học tập thực tế và các tọa đàm về nghề nghiệp. Các hoạt động định hướng nghề nghiệp sẽ giúp sinh viên lựa chọn và chuyển đổi nghề nghiệp đúng đắn, thành công.

Đối với sinh viên các trường đại học có thể tiếp cận, đăng ký các dịch vụ hướng nghiệp do Chính phủ cung cấp để định hình và chuẩn bị cho nghề nghiệp bản thân như xác định điểm mạnh, sự đam mê và lĩnh vực nghiên cứu.

Riêng những người trưởng thành có nhu cầu tìm việc làm, chuyển đổi việc làm, nghề nghiệp sẽ được tiếp cận các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, dịch vụ kết nối nghề nghiệp – người lao động, hội thảo tìm kiếm việc làm hoặc tiếp cận dịch vụ tư vấn chuyên sâu với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn, các chuyên gia nghề nghiệp.

1.2. Tăng cường thực tập nghề nghiệp

Thực tập nghề nghiệp là một cấu phần được tích hợp trong chương trình đào tạo tại các trường giáo dục kỹ thuật và cao đẳng đa ngành của Singapore với mục tiêu giúp sinh viên tìm hiểu thực tế môi trường làm việc, áp dụng những kiến thức kỹ năng nghề nghiệp vào các công việc cụ thể tại doanh nghiệp, nơi sản xuất. Để cải thiện hiệu quả của thực tập nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo gắn kết với người sử dụng lao động, doanh nghiệp để làm rõ hơn về chuẩn đầu ra trong đào tạo, nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn thực tập và kéo dài thời gian thực tập nghề nghiệp.

1.3. Chuyển đổi nghề nghiệp

Chương trình chuyển đổi nghề nghiệp là một sáng kiến chính sách áp dụng cho đối tượng người lao động Singapre có tay nghề, đảm nhiệm vị trí quản lý, giám đốc điều hành trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và kỹ thuật viên có nhu cầu đào tạo kỹ năng để chuyển đổi việc làm, nghề nghiệp, lĩnh vực. Những đối tượng này cần đáp ứng đủ các tiêu chí như: Là công dân hoặc người thường trú tại Singapore với 21 tuổi trở lên; đã tốt nghiệp hoặc hoàn thành nghĩa vụ quân sự ít nhất trong 2 năm; vị trí việc làm cần chuyển đổi phải có yêu cầu về kỹ năng khác biệt so với vị trí việc làm trước đây.

Singapre có trên 100 chương trình chuyển đổi nghề nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đào tạo kỹ năng giúp người lao động Singapore chuyển đổi nghề nghiệp. Các khóa đào tạo kỹ năng như vậy được công nhận theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp mà Chính phủ ban hành (ở Việt Nam chính là việc ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ). Các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp được phân loại theo 3 chế độ sau:

Tuyển dụng tại nơi làm việc - và - đào tạo (place – and - train)

Người lao động được một doanh nghiệp (thuộc nghiệp đoàn) tuyển dụng, sau đó cung cấp khóa đào tạo cho người lao động ngay tại doanh nghiệp. Tức là người lao động vừa học, vừa làm tại doanh nghiệp và được trả lương theo chế độ thử việc. Khi hoàn thành khóa đào tạo, người lao động được doanh nghiệp công nhận kỹ năng và trả lương theo chế độ làm việc chính thức.

Tuyển dụng gắn với nghề - và – đào tạo (attach – and - traing)

Người lao động được cung cấp khóa đào tạo và giao công việc tại một doanh nghiệp đối tác nào đó (thuộc nghiệp đoàn) trước khi xác định nơi làm việc để chuyển đổi nghề nghiệp. Các doanh nghiệp được lựa chọn làm đối tác trong chương trình này nhìn chung có cơ hội việc làm tốt ở những ngành nghề, lĩnh vực đang tăng trưởng tốt.

Cơ cấu lại doanh nghiệp/thiết kế lại vị trí việc làm/đào tạo kỹ năng

Tại Singapore, các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến nguy cơ dư thừa, thiếu hụt người lao động ở một số công việc do có những vị trí việc mất đi và việc làm mới xuất hiện. Người lao động sẽ được đào tạo bổ sung kỹ năng để chuyển đổi vị trí công việc, việc làm ngay tại doanh nghiệp.

Các chương trình đào tạo kỹ năng cho người lao động chuyển đổi nghề nghiệp được thiết kế trên cơ sở hợp tác giữa cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ, chủ sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chuyên mông và được triển khai đào tạo tại doanh nghiệp, nhưng lợi ích đem lại cho người lao động qua các chương trình đào tạo kỹ năng bao gồm:

Được thiết kế theo dạng module linh hoạt, mềm dẻo, người lao động có thể rời khóa đào tạo bất kể thời điểm nào nếu tìm được việc làm phù hợp; Hàng tháng được trợ cấp chi phí đào tạo của Chính phủ; Được tham gia các dự án, công việc thực tế tại doanh nghiệp giúp người lao động thực hành, áp dụng kiến thức đã học; Có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.

1.4. Hệ thống chứng chỉ kỹ năng người lao động (WSQ)

Là một hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về kỹ năng giúp cho việc đào tạo, phát triển, đánh giá và công nhận về kỹ năng và năng lực cho người lao động Singapore.

Cũng như hệ thống giáo dục và đào tạo thường xuyên (CET), thông qua SkillsFuture hệ thống chứng chỉ kỹ năng người lao động sẽ hỗ trợ:

Thúc đẩy việc công nhận kỹ năng và năng lực để tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp, sự thành thạo kỹ năng và dịch chuyển lao động.

Tăng cường việc phát triển toàn diện lực lượng lao động qua các năng lực và các kỹ năng chung, kỹ năng chuyên môn.

Hỗ trợ phát triển nền kinh tế bởi sự chuyên nghiệp hóa kỹ năng và năng lực để thúc đẩy những nỗ lực đổi mới, cải thiện năng suất lao động và chuyển đổi công nghiệp.

Khuyến khích việc học tập suốt đời.

Việc phát triển các chương trình đào tạo theo hệ thống chứng chỉ kỹ năng là dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng và năng lực được thẩm định bởi các nhà tuyển dụng, các tổ chức đoàn thể và cơ quan chuyên môn. Năm 2016, Chính phủ Singapore đã đưa vào triển khai các khung năng lực và các chương trình đào tạo dựa trên khung năng lực được cấp kinh phí và đảm bảo chất lượng bởi SkillsFutute, đây cũng là nơi có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng.

1.5. Gói tín dụng SkillsFuture

Gói tín dụng mở kỹ năng tương lai (Openning SkillsFuture Credit): Đây là sáng kiến chính sách theo đó, kể từ năm 2015, mỗi công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên đều có thể tiếp cận và nhận gói hỗ trợ tín dụng mở là 500 đô la để giúp làm chủ việc phát triển kỹ năng và học tập suốt đời của bản thân.

Gói tăng cường một lần kỹ năng tương lai (One- off SkillsFuture Credit Top-Up): Để khuyến khích hơn nữa giúp người dân Singapore hành động kịp thời để được trang bị lại, trang bị nâng cao trình độ kỹ năng nhằm nắm bắt cơ hội việc làm trong tương lai, một chương trình hỗ trợ bổ sung một lần trị giá 500 đô la cho mọi công dân tuổi từ 25 trở lên tính đến thời điểm 31/12/2020. Kể từ 1/10/2020, khoản tín dụng bổ sung này này có thể được sử dụng cho khóa đào tạo thuộc chương trình Kỹ năng tương lai và sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2025.

Gói tín dụng bổ sung kỹ năng tương lai (hỗ trợ nghề nghiệp trung hạn) (Additional SkillsFuture Credit Top-up, Mid-Career Support): Để cải thiện khả năng tiếp cận chương trình chuyển đổi nghề nghiệp của mỗi cá nhân, một gói tín dụng kỹ năng tương lai một lần trị giá 500 đô la cung cấp cho tất cả các công dân Singapore độ tuổi từ 40-60 (trọn gói) tính đến 31/12/2020. Gói này cũng sẽ vượt và cao hơn 500 đô la tăng cường cho công dân tuổi từ 25 trở lên tính đến 31/12/2020.

Kể từ 1/10/2020, công dân hợp pháp Singpore có thể sử dụng gói tín dụng kỹ năng tương lai bổ sung (hỗ trợ nghề nghiệp trung hạn).

Gói tín dụng bổ sung kỹ năng tương lai được không sử dụng đến sẽ hết hạn ngày 31/12/2025.

1.6. Khung năng lực

Khung năng lực được phát triển và ban hành bởi Chính phủ Singapore với sự hợp tác với các bên liên quan như: Chủ sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chuyên môn. Khung năng lực cung cấp cho người lao động những thông tin đầy đủ về việc làm, lộ trình nghề nghiệp, các ngành nghề đào tạo, vai trò từng vị trí công việc, những kỹ năng, năng lực hiện tại, phát sinh trong tương lai cũng như các chương trình đào tạo tương thích. Người lao động có thể sử dụng khung năng lực để lựa chọn phù hợp chương trình đào tạo để phát triển kỹ năng bản thân.

1.7. Một số sáng kiến chính sách khác

Giải thưởng cao nhất về kỹ năng của Chính phủ dành cho công dân Singapore có trên 10 năm kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực liên quan. Giá trị giải thưởng là 10,000 đô la.

Chương trình hỗ trợ người lao động thử việc tại doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động yếu thế, người lao động hoàn lương.

Trang bị cho công dân Singapore những kỹ năng cơ bản, tuy duy tích cực để thích ứng với nền kinh tế số trong tương lai.

2. Đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động

2.1. Chương trình hỗ trợ nghề nghiệp

Chương trình hỗ trợ nghề nghiệp là một chương trình hỗ trợ tiền lương của Chính phủ dành cho những doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng, sử dụng lao động có kinh nghiệm, bao gồm các nhóm đối tượng là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, kỹ thuật viên là những lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.

Các doanh nghiệp được thụ hưởng từ chương trình hỗ trợ nghề nghiệp cần đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Phải đăng ký hoạt động hoặc tham gia nghiệp đoàn tại Singapore; quỹ lương chi trả cho lao động có tay nghề tối thiểu là 4.000 đô la/tháng, có hợp đồng với người lao động với thời gian từ 12 tháng trở lên hoặc dài hạn.

2.2. Chuyển đổi nghề nghiệp cho doanh nghiệp

Chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của Chính phủ Singapore không chỉ hỗ trợ lao động có tay nghề thuộc các nhóm đối tượng: chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, kỹ thuật viên mà còn hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc chuyển đổi nghề nghiệp của lao động ngay trong doanh nghiệp, đặc biệt khi doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.

Ngày 17/8/2020, Chính phủ Singpapore công bố gói khuyến khích tăng trưởng việc làm với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuyển dụng thêm nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm theo nhu cầu thị trường lao động. Theo chính sách này, từ tháng 9/2020 tới tháng 9/2021, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp 25% lương chi trả cho lao động tuyển mới, riêng đối với lao động từ 40 tuổi trở lên, sự hỗ trợ này lên tới 50% trong 18 tháng.

Các doanh nghiệp được thụ hưởng từ chương trình hỗ trợ nghề nghiệp cần đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Phải đăng ký hoạt động hoặc tham gia nghiệp đoàn tại Singapore; có khả năng cung cấp việc làm theo yêu cầu của chương trình chuyển đổi nghề nghiệp và trả mức lương phù hợp với thị trường lao động; cam kết triển khai các khung đào tạo cho lao động mới tuyển dụng; đối với các doanh nghiệp thuộc diện cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh cần phải có kế hoach cụ thể về việc chuyển đổi.

2.3. Hệ thống chứng chỉ kỹ năng người lao động (WSQ)

Giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động lựa chọn các hoạt động đào tạo phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp và đảm bảo chất lượng đào tạo. Dựa vào hệ thống này, doanh nghiệp, người sử dụng lao động lên kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động. Hướng dẫn doanh nghiệp, người sử dụng lao động lên kế hoạch quản lý điều hành. Khuyến khích đào tạo tại doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để tuyển dụng lao động được công nhận năng lực và kỹ năng cần thiết.

2.4. Khung năng lực

Khung năng lực giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động thiết kế các bài kiểm tra thực hành đo mức độ tiến bộ về năng lực, kỹ năng của người lao động từ đó công nhận trình độ kỹ năng, năng lực cho họ, đồng thời đưa ra quyết định đúng đắn về những đầu tư để phát triển kỹ năng người lao động tại doanh nghiệp.

2.5. Một số chính sách khác đối với người sử dụng lao động, doanh nghiệp

Được thụ hưởng chương trình thử việc do Chính phủ ban hành từ ngày 15/5/2019 với sự hỗ trợ 30% chi phí trả lương người lao động thử việc tại doanh nghiệp.

Giải thưởng kỹ năng cao nhất của Chính phủ dành cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động là những tổ chức điển hình có những đóng góp nổi trội về cả hai mặt phát triển kỹ năng cho người lao động và phát triển văn hóa học tập suốt đời tại doanh nghiệp.

Người lao động của doanh nghiệp được trang bị kỹ năng và tư duy phù hợp đón nhận sự thay đổi công nghệ đối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp, tận dụng những lợi thế từ những công nghệ mới đối với phát triển nền kinh tế tương lai.

3. Đối với cơ sở đào tạo

Chương trình SkillsFuture đã thiết lập một hệ thống giáo dục và đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thay đổi thường xuyên về kỹ năng, cũng như nuôi dưỡng văn hóa học tập suốt đời. Hệ thống các trung tâm giáo dục và đào tạo thường xuyên (Continuing Education and Training - CET) sẽ đáp ứng mục tiêu này. Kế hoạch phát triển hệ thống các trung tâm CET được Chính phủ Singapore triển khai năm 2008, tới năm 2014, hệ thống được làm mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực có sức cạnh tranh của quốc gia, cho phép người trường thành ở bất kể trình độ nào đều có thể tiếp tục phát triển kỹ năng và năng lực nghề nghiệp trong suốt cuộc đời. Hiện nay, hệ thống bao gồm 25 trung tâm đào tạo trên một phạm vi rộng lớn các lĩnh vực, trong đó đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế Singapore như: Kinh doanh bán lẻ, du lịch, khách sạn, hàng không, an ninh, tài chính, hoạt hình kỹ thuật số, kỹ sư quy trình, kỹ năng dịch vụ và tính toán, kỹ năng đọc viết căn bản, kỹ năng nấu ăn.

3.1. Khung năng lực

Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng khung năng lực để có cái nhìn rõ ràng về xu hướng và nhu cầu về kỹ năng từ đó đổi mới giáo trình và thiết kế chương trình đào tạo phụ hợp với yêu cầu của ngành, lĩnh vực.

3.2. Gói tín dụng SkillsFuture

Bên cạnh mục tiêu hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và người sử dụng lao động về phát triển kỹ năng, gói tín dụng còn hỗ trợ hoặc thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng trực tuyến cho người lao động, Bộ Giáo dục có thẩm quyền ban hành chương trình, các cơ sở đào tạo được cấp kinh phí triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến.


Vụ Kỹ năng nghề dịch và biên soạn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh