THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là nền tảng thay đổi cách dạy và học

 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình GDPT mới nhằm đổi mới mục tiêu giáo dục, chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức trước kia sang nền giáo dục theo hướng toàn diện.


Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình GDPT mới nhằm đổi mới mục tiêu giáo dục, chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức trước kia sang nền giáo dục theo hướng toàn diện, trang bị kỹ năng cho học sinh, cũng như phát triển tốt nhất năng lực, phẩm chất của người học.

“Chương trình GDPT mới nhằm thực hiện tốt nhất, đầy đủ nhất triết lý giáo dục “Thực học - Thực nghiệp” cho học sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29. Vì vậy, ngoài việc thay đổi gần như triệt để quá trình dạy và học, tổ chức thi cử, đánh giá học sinh, thì Chương trình GDPT mới sắp tới còn thay đổi lớn về “độ mở” trong việc học của học sinh, việc dạy của giáo viên, hướng đến việc điều chỉnh cách dạy theo đúng tinh thần Nghị quyết 29” - GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Chính vì mục tiêu và sứ mạng của Chương trình GDPT mới là như vậy nên ngay từ bây giờ, ngoài việc tổ chức, hướng dẫn các trường, đội ngũ giáo viên tiếp cận với phương thức dạy học mới thì công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng hướng đến mục tiêu chính yếu của nó (theo tinh thần Nghị quyết 44 và Nghị quyết 29 của Trung ương); đánh giá lại quá trình học trong 12 năm của học sinh.

 

Học sinh Trung học cơ sở.


Theo ông Nguyễn Viết Lộc (Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT), đến thời điểm này Hội đồng thẩm định Quốc gia (thành lập theo TT 14) đã thẩm định xong, tháng 10/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư về chương trình GDPT mới. Sau khi ban hành Thông tư, trên cơ sở đó Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) trên tinh thần công khai, minh bạch.

Song song đó tiếp tục thực hiện công tác thẩm định bộ SGK do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, cũng như các bộ SGK do các tập thể, cá nhân tổ chức biên soạn.

Thẩm định xong, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Từ đó phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng Quốc gia.

“Sau khi chúng ta có các bộ SGK, Hội đồng thẩm định Quốc gia sẽ thẩm định. Thẩm định xong sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng các bộ sách. Như vậy, sau khi có chương trình khung chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ có sự tính toán làm sao để áp dụng chương trình GDPT một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo chất lượng, tính khả thi khi áp dụng. Quan trọng nhất là đảm bảo được thời hạn mà Quốc hội cho phép thông qua Nghị quyết 51 đã ban hành”, ông Lộc thông tin.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh