Hơn 70 % người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:42 - 25/05/2016
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí; Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề TS Nguyễn Hồng Minh, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, trường đào tạo nghề...
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2015: Gần 2 triệu người tham gia học nghề
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy (Tổng Cục Dạy nghề) Đặng Xuân Thức cho biết, trong năm 2015, cả nước đã tuyển sinh học nghề được 1.979.199 người, trong đó trình độ cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN) là 210.104 người. Trình độ sơ cấp nghề (SCN) và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.769.095 người. Như vậy kết quả tuyển sinh năm 2015 đạt 92,1% so với kế hoạch đề ra và giảm so với năm 2014. Trong số các học sinh, sinh viên (HS,SV) đăng ký học trình độ CĐN, TCN năm 2015 thì có 54.676 người được hưởng chế độ chính sách trong họ nghề.
Báo cáo của đa số bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có cơ sở dạy nghề thì kết quả tuyển sinh năm 2015 của các cơ sở trực thuộc là 438.710 người, trong đó tuyển sinh trình độ CĐN, TCN là 88.799 người (chiếm 42,3%), tuyển sinh trình độ SCN và dạy nghề dưới 3 tháng là 349.911 người (chiếm 20%)
Trên cả nước, có 10 nghề có kết quả tuyển sinh cao đó là nghề: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn, quản trị mạng, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, quản trị khách sạn, có số lượng tuyển sinh đạt từ 2.000 người trở lên, trong đó: nghề có kết quả tuyển sinh cao nhất là nghề điện công nghiệp (24.441 người), tiếp đến nghề công nghệ ô tô (19.684 người).
Bên cạnh những nghề tuyển sinh đạt kết quả cao, có những nghề tuyển sinh được rất ít thậm chí không tuyển sinh được, những nghề này thuộc nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực mỏ, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp như các nghề: Khoan nổ, mìn; công nghệ mạ; rèn, dập; cơ điện nông thôn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí...
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại 6 tỉnh, thành phố đã diễn ra tình trạng “trắng” HS, SV theo học trình độ CĐN đó là gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước. Ở trình độ TCN hiện có rất nhiều trường TCN không tuyển sinh được hoặc chỉ tuyển được dưới 20 HS/trường, như: trường TCN GTVT Thăng Long, trường TCN Công nghệ Hạ Long…
Tính trung bình, năm 2015 tỷ lệ HS, SV tốt nghiệp trình độ CĐN, TCN có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 70,2%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng nghề ra trường có việc làm đạt 68,3 %, trung cấp nghề đạt 71,5%. Một số nghề có số lượng HS,SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao như : Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò (98%), Hàn (91%), Điện công nghiệp (88%), Cắt gọt kim loại (87%), Công nghệ ô tô (83%), Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (81%).
Về tiền lương, thu nhập của học viên qua đào tạo nghề: Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH, mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên CĐN sau khi tốt nghiệp đạt 4 triệu đồng/tháng, học sinh TCN sau khi tốt nghiệp đạt 3,5 triệu đồng/tháng. Một số nghề có mức lương khá cao, như nghề: Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu); Vận hành cần, cẩu trục (4-7 triệu)...
Hội nhập: Nhiều cơ hội và thách thức đối với đào tạo nghề
Theo ông Đặng Xuân Thức, từ cuối 2015, Việt Nam đã chính thức gia nhập công động kinh tế ASEAN, ra nhập TTP.., Dạy nghề Việt Nam nói chung và công tác tuyển học nghề nói riêng đứng trước rất nhiều cơ hội khi tham gia hội nhập. “Người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm sau quá trình học tập. Văn bằng, chứng chỉ được công nhận giữa các quốc gia. Thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc, bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao. Tỉ lệ thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 chỉ để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng tăng khá cao so với năm ngoái. Đây là một cơ hội lớn cho các cơ sở tham gia dạy nghề nắm bắt để tổ chức tuyển sinh, thông tin tuyển sinh kịp thời đến đối tượng tuyển sinh này” – ông Thức cho hay.
TS Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên cũng theo ông Thức, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cũng đang đứng trước những thách thức hết sức nghiệt ngã. Hội nhập sẽ tạo ra sự di chuyển lao động tạo ra tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực sẽ rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm. Với tâm lý coi trọng bằng cấp của đại bộ phận người dân khiến công tác tuyển sinh đối với các trường đào tạo nghề hết sức khó khăn. Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số sẽ làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian. Khả năng hoà nhập của học viên sau tốt nghiệp trong môi trường lao động trong nước, khu vực và toàn cầu là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam đặc biệt là ngoại ngữ và tổ chức nơi làm việc...
Để có thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyên sinh, đào tạo nghề của các trường TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục Trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, giải pháp hiệu trưởng nhiều trường nghề ký cam kết với học viên ngay khi vào học về việc đảm bảo đầu ra là rất hữu hiệu, có thể hút học viên trong thời gian tới. Ngoài ra, TS Nguyễn Hồng Minh đưa ra giải pháp hút học viên hữu hiệu chính là nâng cao chất lượng đào tạo để hội nhập, đảm bảo học viên ra trường có thể tham gia bất kỳ thị trường lao động nào trong khu vực cũng như thế giới.
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí trao đổi cùng các đại biểu
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí đề xuất, trong thời gian tới cần ra quy định yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển sinh lao động phải có chứng chỉ nghề. Điều này vừa giải bài toán tuyển sinh cho các trường nghề vừa nâng cao chất lượng nguồn lực lao động. Để thu hút học viên học nghề, ngay từ lúc tuyển sinh các trường phải phải đưa ra được cam kết về việc làm và thu nhập cho người học. Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phối hợp các sở, ngành có những giải pháp đột phá trong công tác phân luồng học sinh làm tốt phổ cập nghề cho người lao động đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo. Tuyên truyền giáo dục, tạo sự chuyển biến thật sự của người dân về vai trò của giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu, các trường phải đổi mới căn bản phương pháp, chường trình đào tạo nghề của các trường, các trường cần chú trọng đào tạo nghề và đào tạo ngoại ngữ. Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động. Riêng chuyện sáp nhập các cơ sở nghề hoạt động không hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị, cần tiến hành ngay và phải đảm bảo sau khi sát nhập cơ sở vật chất, thiết bị vẫn được sử dụng hiệu quả tránh tình trạng “đắp chiếu trùm mền” gây lãng phí...
Năm 2016, nhiệm vụ tuyển sinh toàn ngành dạy nghề là 2.150.000 người, trong đó: tuyển sinh trình độ CĐN, TCN: 250.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 1.900.000 người, trong đó hỗ trợ đào tạo cho khoảng 450.000 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. |