Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:48 - 11/06/2016
Các cấp Hội Nạn nhân da cam/dioxin trong tỉnh thăm, tặng quà cho các nạn nhân da cam - Ảnh: K.CHI |
VƯƠN LÊN TRONG CUỘC SỐNG
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động tài trợ, giúp đỡ, ủng hộ, chăm sóc cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực.
Gia đình anh Thân Ngọc Tý, ở thôn Bình Chính, xã An Dân (huyện Tuy An) được xem là gia đình nạn nhân da cam tiêu biểu “vượt lên chính mình” của tỉnh. Anh Thân Ngọc Tý năm nay đã 40 tuổi, bị ảnh hưởng chất độc da cam do di truyền từ cha mẹ, những người trực tiếp tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam. Song nỗi đau da cam không chỉ dừng lại ở đó mà còn kéo đến thế hệ con anh. Không cam chịu số phận, anh Tý theo học nghề điện tử, điện cơ và mở tiệm sửa chữa tại nhà để mưu sinh. Còn con gái anh tuy bị tật nguyền không tự đi lại được, việc đến trường phải nhờ vào mẹ, nhưng nay đã học xong lớp 9 và luôn là học sinh giỏi.
Em Thân Lê Bảo Duyên, con gái anh Tý, tâm sự: “Vì cháu đi lại khó khăn nên hàng ngày, mẹ phải giúp cháu di chuyển, là chỗ dựa của cháu. Dù tật nguyền nhưng cháu sẽ luôn cố gắng học tập để không phụ lòng ba mẹ”. Còn anh Thân Ngọc Tý bộc bạch: “Tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống và cũng mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến những nạn nhân da cam như chúng tôi. Đó cũng là động lực lớn để chúng tôi vượt qua nỗi đau này”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1 vạn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhiều hộ gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam đang hết sức khó khăn… rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Bà Phạm Thị Tăng ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) sinh hai người con trai, năm nay người 45 tuổi, người 40 tuổi đều bị bại não, thiểu năng trí tuệ, liệt toàn thân, lúc nào cũng ngây ngô. Hàng ngày, bà Tăng đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con. Nhưng điều cơ cực, tủi thân, đau đớn nhất chính là việc chăm sóc hai người con tật nguyền. Hay như trường hợp gia đình ông Lê Tiến Thanh, cựu chiến binh ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), có hai con bị dị dạng dị tật, liệt toàn thân, thiểu năng trí tuệ… cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đau khổ trong cuộc sống.
VẬN ĐỘNG GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN DA CAM
Cùng với cả nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/doxin Phú Yên trong những năm qua đã làm tốt các nhiệm vụ: Tập hợp, đoàn kết, động viên nạn nhân tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng; chủ động tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện các chế độ chính sách và bảo vệ quyền lợi nạn nhân da cam; kiến nghị việc xây dựng tổ chức hội; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, các nhà hảo tâm ở trong tỉnh, trong nước và nước ngoài quyên góp, ủng hộ giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam thiết thực và có hiệu quả…
Theo ông Đỗ Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên, cùng với cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai hoạt động chăm sóc đời sống vật chất tinh thần cho nạn nhân da cam, cố gắng vận động để giúp nạn nhân da cam có điều kiện sống tốt, đảm bảo cuộc sống gia đình và bản thân họ; đồng thời tích cực đấu tranh để bảo vệ công lý, mặc dù đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, gian khổ.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tích cực phối hợp các cấp ngành, có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, nhiều phong trào giúp nạn nhân da cam cùng gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Thời gian đến, các cấp Hội trong tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tích cực vận động giúp đỡ nạn nhân da cam; đồng thời khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định.