THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:07

Chung sức chăm lo đời sống người có công

 

Chế độ phụ cấp được cải thiện

Những năm qua, hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện. Hiện có 1.400 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 4 pháp lệnh, 22 thông tư và thông tư liên tịch, 13 quyết định của Thủ tướng liên quan đến lĩnh vực ưu đãi đối với người có công đang còn hiệu lực thi hành và được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đã từng bước hoàn thiện; chế độ đãi ngộ từng bước được mở rộng, mức thụ hưởng ưu đãi được điều chỉnh hợp lý…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Long Đất.


Theo đó, hiện có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2005; cả nước cũng xác nhận có trên 9 triệu người có công.  Các chế độ ưu đãi đối với từng diện người có công được quy định đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Cụ thể, 95,75% số đối tượng người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng...

Từ năm 2004, thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi NCC, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi qua 10 lần điều chỉnh, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của NCC. Đến nay (năm 2017), mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi NCC là 1.417.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức hiện nay là 1.300.000 đồng). Hiện với trên 1,4 triệu NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Trong 10 năm gần đây (từ năm 2007 - 2016), tổng kinh phí trợ cấp là 133.306 tỷ đồng trong đó, kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hàng năm dành cho công tác NCC với cách mạng bình quân khoảng 2000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, NCC còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác trên các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hoá, nhà ở, việc làm, tín dụng...

Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng từ ngân sách nhà nước, phong trào Đền ơn đáp nghĩa duy trì và phát huy ở các địa phương. Chỉ tính riêng từ năm 2007 - 2016, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 41,36 tỷ đồng, của địa phương gần 214.500 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 131.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 5.356 tỷ đồng. Xây dựng mới 96.831 nhà tình nghĩa trị giá 111.575 tỷ đồng, sửa chữa 71.745 nhà tình nghĩa trị giá 20.000 tỷ đồng.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trên thực tế lĩnh vực ưu đãi người có công còn rất nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn, hiện chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt tù đày sau 30/4/1975; chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%; chưa có quy định chế độ trợ cấp một lần cho thân nhân của các đối tượng được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; người có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế còn sống hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ…

Bên cạnh đó, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện cả nước mới có hơn 200.000 nạn nhân da cam được hưởng chế độ, chính sách, còn lại hàng trăm nghìn người khác chưa được hưởng vì gặp khó khăn về thủ tục xét duyệt, chứng nhận y khoa với đối tượng bị phơi nhiễm.

 

Tặng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách.

 

Đề xuất thêm các chính sách đối ưu đãi đối với người có công, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi cho rằng, cần mở rộng căn cứ xác nhận đối với đối tượng lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, đồng thời cần thực hiện BHYT đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống. Mức trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cần được nâng lên thay cho mức 120.000 đồng/năm (từ năm 1995).

Bên cạnh đó, chế độ ưu đãi đối với mỗi loại đối tượng người có công cũng cần được soát xét phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, phù hợp với công lao, mức độ cống hiến của người có công. Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa; phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Có như vậy, mới huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cùng chăm lo cho người có công với cách mạng. 

Về việc sửa đổi các chính sách liên quan đến người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  cho biết: “Tới đây, bên cạnh việc rà soát lại một loạt chính sách, Bộ sẽ trình với Thường vụ Quốc hội,  Chính phủ  sửa đổi Pháp lệnh người có công theo hướng toàn diện hơn cũng như mang đầy đủ tính thực tiễn hơn, phù hợp với từng đối tượng người có công hơn”.

 

Theo báo cáo của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Vướng mắc, bất cập lớn nhất là về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với người có công còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, các thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết...

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh