CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:02

Hài kịch truyền hình: Tiếng cười ngày càng nhạt

Nhảm và nhạt

Chương trình hài thực tế mới nhất có tên Chết cười được kỳ vọng sẽ  thay thế cho chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi" được chiếu vào giờ vàng trên sóng VTV, nhưng ngay những buổi phát sóng đầu tiên đã xuất hiện khá  nhiều trò chọc cười phản cảm.

Rất nhiều hài kịch phát sóng trên truyền hình không còn tạo hứng thú cho khán giả

Đơn cử như “Chữ xếp người”, người chơi là các nghệ sĩ phải dùng thân mình để xếp chữ mà chương trình đưa ra. Đáng nói là, ngoài cách dùng người xếp chữ rất thô và tạo hình rất phản cảm, thì nhiều câu đối đáp giữa các nghệ sĩ nghe cũng rất “khó lọt tai” như: “Cong quá gãy sao?”,  “Sốc đi, sốc mà không ra là có chuyện”. Hoặc khi Đức Hải hỏi Kiều Mai Lý: “Vì sao xếp hình mà chị nằm sấp”, câu trả lời là  “Anh Chí Trung giơ tay cao thì chị ấy phải nằm úp xuống chứ ngửa lên là... ngửi chết”.

Hay trong trò chơi “Đố ai nhảy được”, thí sinh vừa nhảy vừa trả lời câu hỏi của chương trình, trong đó hàng loạt câu hỏi đưa ra khá nhảm nhí và thô tục, ví như: Cái gì càng chơi càng ra nước? Cái gì càng to càng nhỏ...

Mặc dù trước đó, chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi” tuy  đạt con số người xem kỷ lục nhưng cũng có không ít phản ánh về sự quá đà cũng như cách dùng từ và nội dung phản cảm. Thế nhưng, sau khi chương trình này kết thúc, “Chết cười” được thay thế cũng đang giẫm phải vết xe đổ khi tiếp tục có những tình huống hài phản cảm, thô tục.

Cuộc đua sớm... hụt hơi

Gần đây, khi các chương trình hài đang được yêu chuộng, lượng người xem cao thì các đài truyền hình đua nhau làm và phát sóng. Nếu trước đây, trên VTV với các chương trình “Trong nhà ngoài phố” hoặc “Gặp nhau cuối tuần”, sau này là “Gala cười”, “Siêu thị cười” xuất hiện với tần suất vừa phải, thì nay, tần suất ấy tăng theo cấp số nhân với hàng loạt chương trình mới xuất hiện liên tục. Với HTV, cũng đầu tư hàng loạt chương trình hài kịch như: "Tài tiếu tuyệt”, "Hội ngộ danh hài”, "Siêu thị cười”, "Tiếng cười sinh viên", “Thách thức danh hài”. Các đài truyền hình địa phương cũng không kém cạnh...

Để thu hút khán giả truyền hình trong thời buổi khó khăn và lắm cạnh tranh, nhiều nhà đài cũng đã có ý thức  đầu tư kỹ càng hơn cho các chương trình hài kịch tránh sự nhàm chán. Sau 2 mùa phát sóng, chương trình "Hội ngộ danh hài” năm nay được HTV làm mới bằng việc các danh hài sẽ diễn trên một sân khấu nghiêng 21 độ. Những chương trình hài khác thì chuyển hướng từ việc diễn các tiểu phẩm, hài kịch ngắn... sang các chương trình truyền hình thực tế hài, games show hài, hoặc thể loại hài kịch tình huống... Tuy nhiên, kết quả của sự đầu tư ấy không phải lúc nào cũng như mong muốn, rất nhiều tình huống hài nhảm nhí, thô tục vẫn xuất hiện trên truyền hình...

Băn khoăn lớn nhất của công chúng lẫn giới làm nghề là chất lượng của những vở kịch hài, những chương trình hài này sẽ ra sao khi chúng ngày càng rơi vào sự hụt hơi, hời hợt và nhảm nhí. Thiếu các vở kịch hài đầy đặn và có chiều sâu tư tưởng xã hội nên những chương trình hài trên truyền hình khó có sức sống, không đọng lại được trong lòng khán giả.

Đó cũng là lý do một chương trình hài kịch lớn, quy tụ một đội ngũ làm hài kịch đồ sộ và danh tiếng như "Gặp nhau cuối tuần”, dù còn nhiều kỳ vọng lẫn tiếc nuối của khán giả cùng nhà sản xuất, nhưng đã phải dừng phát sóng, rồi vớt vát trở thành "Gặp nhau cuối năm”.

Hài “mậu dịch” nên chất lượng kém?

Dư luận cho rằng, một trong những lý do khiến chương trình hài nở rộ mà lại rơi vào tình trạng trượt dốc về chất lượng là do kịch bản kém, đơn điệu. Tấu hài cần làm phong phú kịch bản hơn là cứ chung chung và đơn điệu với các mô típ vợ chồng ngoại tình hay chuyện của ông giám đốc, cô thư ký, thậm chí mang cả những khuyết tật của cơ thể ra làm trò cười, bí quá thì dùng các kịch bản của nước ngoài...

Bên cạnh đó, thực tế là nghệ sĩ hài đã không còn nhiều thời gian để đầu tư cho vai diễn, không còn tâm sức để tìm kiếm những kịch bản tốt, bởi truyền hình chỉ đòi hỏi ở họ sự xuất hiện chứ không mấy khi quan tâm đến chất lượng. NSƯT Chí Trung, nghệ sĩ hài khá đắt show trên truyền hình, từng nói: Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài “mậu dịch”, ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là chuyện thoáng qua nên làm đơn giản, sơ sài. Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như Gala Cười, Gặp nhau cuối năm. Có lẽ chính bởi cái quan niệm hài trên truyền hình là “hàng miễn phí” tồn tại ngay trong chính các nghệ sĩ hài nên khán giả buộc phải “ăn”  những “món ăn”  nhạt muối và không hợp khẩu vị?

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh