THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:30

Chủ tịch tỉnh nhận sai, đề nghị dân chia sẻ khó khăn

Tại buổi đối thoại, hàng chục người dân đã nói lên những nỗi khổ vì ô nhiễm khói bụi  từ nhà máy xi măng. Bà Nguyễn Thị Đào, ở thôn Sơn Trà gay gắt: “Các ông nói chia sẻ khó khăn với nhà máy. Vậy, còn cuộc sống của chúng tôi ra sao, chúng tôi không thể sống như thế để chờ chết vì ô nhiễm”.

Ông Nguyễn Tấn Sơn, xóm Đồng Chùa, thôn Tân Hy yêu cầu UBND tỉnh trả lời cụ thể, rõ ràng về việc tổ chức giải tỏa các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ nhà máy xi măng, trả lời về qui định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT về tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh lao động.

                               

  Ông Nguyễn Lượng, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, chất vấn Chủ tịch tỉnh Lê Viết Chữ. A: Giang Sơn

 

 Theo ông Nguyễn Lượng, ở thôn Tân Hy, năm 2013 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc xây dựng nhà máy và có cam kết; “Nếu ô nhiễm đến đâu thì di dời dân đến đó”.

Ô nhiễm thì đã rõ, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có đoàn y tế nào về kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng sức khỏe của người dân? Ngoài ra, người dân cũng yêu cầu phải nhanh chóng có phương án giải tỏa toàn bộ 427 hộ dân đã điều tra và nằm trong khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm bởi nhà máy xi măng.Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: " Xây dựng nhà máy xi măng trong khu dân cư là sai, xin bà con chia sẻ khó khăn" Ảnh: Giang Sơn

 

Trước các phát biểu chất vấn của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đã yêu cầu cơ quan chuyên môn trả lời công khai. Về vấn đề sức khỏe của người dân vùng ô nhiễm do và việc thực hiện Quyết định 3733 của Bộ Y tế mà Báo LĐ&XH đã nêu, ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc  Sở Y tế Quảng Ngãi, thừa nhận: “ Cho đến nay, vẫn chưa cử đoàn y tế nào về kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của nhân dân bị ảnh hưởng khói bụi nhà máy xi măng Miền Trung”.

Về Quyết định 3733, ông Đức cho biết, quyết định qui định, nhà máy xi măng phải cách khu dân cư 1000 m, cho đến nay vẫn còn hiệu lực, chưa có quy định nào mới. Còn ông Nguyễn Phúc Tân, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi, cho biết: “Khi tiến hành lập dự án nhà máy xi măng, các cơ quan chuyên môn đã lập biên bản lấy mẫu về ô nhiễm??? Tuy nhiên, ông Tân cho biết, thời điểm lấy mẫu là tháng 10/2013, nên mức độ ô nhiễm chỉ nằm trong khoảng cách từ 100- 150 m (?)”.

 

                                         

 Đến ngày 1/6 nhiều người dân vẫn túc trực không cho nhà máy hoạt động. Ảnh: Giang Sơn 

 

Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhận khuyết điểm: “ Do ngay từ đầu tỉnh đã không làm tốt công tác qui hoạch. Để  xây dựng nhà máy xi măng trong khu dân cư là sai, xin bà con chia sẻ với nhà nước và doanh nghiệp. Tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lần cuối các hộ bị ảnh hưởng, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20/6 để có kế hoạch xem xét lên phương án đền bù”.

Có mặt theo dõi buổi đối thoại, PV Báo LĐ&XH ghi nhận: Người dân  rất tin tưởng vào kết quả buổi gặp trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh.Tuy nhiên, những kết luận của ông Chủ tịch Lê Viết Chữ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Trong khi lãnh đạo các Sở TN&MT, Y tế đều thừa nhận chưa làm đúng qui trình.

 Tới ngày 1/6, vẫn còn rất nhiều người dân tụ tập trước cổng Nhà máy xi măng Miền Trung không cho nhà máy hoạt động trở lại.

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh