Chủ quyền biển đảo Việt Nam được đưa vào chương trình giáo dục Tiếng Anh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:47 - 14/11/2018
Các khách mời trong lễ công bố chương trình giáo dục tiếng Anh Monkey Stories về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ngày 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố chương trình giáo dục tiếng Anh Monkey Stories về chủ quyền biển đảo Việt Nam và trao tặng học bổng cho con em gia đình chính sách.
Ra mắt từ cuối năm 2015, Monkey Junior là chương trình học ngôn ngữ áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0-10 tuổi. Tính đến nay, chương trình đã có trên 5 triệu người tại hơn 100 quốc gia theo học, trong đó có Mỹ (Top 20 những ứng dụng giáo dục sớm phổ biến nhất tại Mỹ; Top 1 ứng dụng giáo dục phổ biến nhất ở Việt Nam), Canada và nhiều nước tiên tiến.
Chia sẻ về lý do xây dựng nội dung giáo dục tiếng Anh về biển đảo Việt Nam, tác giả khởi nguồn cho chương trình này là CEO Monkey Junior Đào Xuân Hoàng, gương mặt trẻ tiêu biểu trong lao động sáng tạo năm 2017 cho biết, thời điểm ứng dụng đạt con số 1 triệu người tin dùng và được Apple và Google vinh danh, tôi nhớ ngay đến câu chuyện đầy tự hào: Một người Việt nam đã đưa bản đồ Việt Nam có đầy đủ Hoàng Sa và Trường Sa lên 2 mẫu đồng hồ bán trên toàn cầu. Sau đó tôi xem ti vi, thấy một số đại biểu Quốc hội đề nghị phải đưa vào SGK các cấp một dung lượng xứng đáng hơn những câu chuyện về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa - Trường Sa, để các học sinh khác ghi điều thiêng liêng này ngay từ những năm đầu đời.
Trao đổi về nội dung của chương trình này, TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ khẳng định, bản thân ông đã được mời thẩm định chương trình ngôn ngữ này và cá nhân ông thấy rằng đây là một phương pháp giáo dục hay, đặc biệt hướng tới truyền tải kiến thức biển đảo, chủ quyền tới những lứa tuổi nhỏ, điều hấp dẫn là không chỉ trẻ em Việt Nam và trẻ em trên toàn thế giới cũng được tiếp cận về lịch sử chủ quyền, biển đảo Việt Nam, từ đó tránh những cách hiểu lệch lạc về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tham dự lễ ra mắt, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên sách giáo khoa phổ thông mới đánh giá, vấn đề biển đảo là chủ đề đang rất được quan tâm. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền, trên biển là vấn đề xuyên suốt và nổi bật trong nghìn năm lịch sử đất nước. “Các chương trình lịch sử địa lý từ tiểu học trở lên đã chú ý đến vấn đề chủ quyền và vấn đề Biển Đông… Tôi cho rằng, chương trình tiếng Anh biển đảo này có nội dung tốt, phù hợp với cả chương trình phổ thông”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.