THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:49

Độ tuổi nào phù hợp để trẻ học tiếng Anh?

 

Giờ học tiếng Anh của Trường mầm non tư thục Trăng Sáng - Bright Moon (Hà Nội). Ảnh: Q.A
Tranh cãi vì chuyện con học ngoại ngữ
Cho con học ngoại ngữ ở độ tuổi nào, học ở đâu… là câu hỏi mà khá nhiều bậc phụ huynh hiện nay muốn có lời giải đáp. Bởi học ngoại ngữ như một nhu cầu của các bậc phụ huynh, nhất là ở các thành phố muốn con em mình phát triển trong tương lai. Suốt cả tuần qua, vợ chồng anh Hoàng Anh - chị Hà Linh (ở phowngf Khương Trung, quận thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên tranh luận về chủ đề “nóng” đó là cho con đi học tiếng Anh từ lúc con trai mới hơn 3 tuổi. Chị Linh muốn con học ngoại ngữ ở trung tâm, nhưng chồng chị lại phản đối.
Chị Hà Linh tâm sự: “Hàng xóm người ta cho con đi học tiếng Anh ở trên trường, ở trung tâm, mấy tuổi mà nói “như gió”, trong khi con mình thì chưa biết gì, học trên lớp thì giáo viên dạy qua loa, học trước quên sau. Nhưng mỗi lần định đăng ký cho con đi học ngoài trung tâm thì ông xã cứ phản đối, cho rằng con tiếng Việt chưa nói sõi, còn sức đâu mà học ngoại ngữ. Tôi không mong con phải giỏi, nhưng thấy nhiều phụ huynh họ bảo cho con học sau này nó sẽ nói giỏi ngoại ngữ. Tôi cứ phân vân mãi mà chưa dám đăng ký học cho con”.
Câu chuyện của vợ chồng chị Linh nói trên khá phổ biến hiện nay trong các gia đình ở các thành phố lớn. Khi nhu cầu ngày càng lớn, rất nhiều trung tâm, câu lạc bộ ngoại ngữ được mở ra phục vụ mọi lứa tuổi. Thậm chí, tiếng Anh cũng đã xuất hiện ở hầu hết các trường mầm non tại Hà Nội, trở thành môn học năng khiếu, nhiều phụ huynh có nhu cầu đăng ký tham gia cho con.
Bà Mai Lan, Giám đốc một Trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Thường thì phụ huynh dễ lựa chọn theo cảm tính, phong trào để cho con đi học tiếng Anh, nhưng có một số phụ huynh cũng thận trọng trong việc học tiếng Anh của con. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã cho con học tiếng Anh từ lúc vài tuổi và học ở trung tâm do người nước ngoài dạy với mức học phí vài trăm nghìn đồng mỗi buổi. Rồi một số trường mầm non đã đưa tiếng Anh vào dạy trẻ từ lúc chỉ mới 2 tuổi”.
Nên cho trẻ tiếp cận tiếng Anh sớm
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người) cho rằng, trẻ cần được tiếp cận ngôn ngữ sớm sẽ có tố chất, năng lực về môn học, lĩnh vực đó. Giai đoạn “vàng” trong phát triển não bộ con người là thời kỳ từ 0-6 tuổi. Phụ huynh cần nắm bắt được cơ hội này để kích thích, giáo dục sớm cho trẻ phát triển. Khi trẻ được tiếp cận với ngoại ngữ từ sớm sẽ giúp trí não phát triển, khả năng về ngoại ngữ sẽ được duy trì và phát huy.
“Tôi ví dụ như trường hợp của em Đỗ Nhật Nam có được khả năng học tiếng Anh như vậy là do được tiếp xúc sớm với tiếng Anh. Thậm chí, cháu được “học” tiếng Anh từ trong bụng mẹ bởi quá trình thai giáo, não bộ được tiếp cận với tiếng Anh. Khi còn nhỏ, được cha mẹ cho tiếp xúc, học tiếng Anh. Tuy nhiên, cha mẹ không nên áp đặt con cái, mà cho trẻ tiếp xúc sớm, cho trẻ làm quen dần và tôn trọng sở thích của trẻ, nếu không sẽ chỉ phản tác dụng”, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ thêm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Mỗi độ tuổi cần có những phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả. Nếu như cấp học mầm non, các cháu chơi mà học, hãy dạy trẻ môn tiếng Anh qua các hình thù, đồ chơi, trẻ sẽ nhớ lâu, hứng thú. Hồi cháu tôi học cấp mầm non cũng đã thuộc khoảng 2 nghìn từ tiếng Anh, bởi cháu thích thú với việc học qua các đồ chơi, đồ vật. Thế nên, việc dạy trẻ tiếp cận ngoại ngữ sớm là rất tốt, cha mẹ không nên ép con phải học giỏi, học nhiều. Mà hãy để cho trẻ được vui chơi và học ngoại ngữ một cách thoải mái nhất”.
Chỉ ra tiếng Anh sẽ giúp trẻ tự tin hơn, cô Hoàng Hải Yến, Phụ trách môn Tiếng Anh của Trường Mầm non tư thục Trăng Sáng-Bright Moon (ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Giai đoạn thích hợp để trẻ làm quen và học tiếng Anh đó là từ 3 tuổi. Khi mới làm quen, trẻ có thể lạ lẫm, nhưng càng tiếp xúc trẻ càng hứng thú hơn thông qua việc phát âm, học qua trò chơi, bài hát… Khi trẻ được làm quen sớm, lớn lên sẽ yêu mến môn Tiếng Anh hơn, sẽ không có quan niệm học chỉ để đi thi. Trẻ học tiếng Anh với người bản ngữ giúp trẻ tự tin, yêu quý người nước ngoài. Phụ huynh hãy cùng chơi, cùng học với con, không nên áp lực bắt trẻ học nhiều, học kiểu nhồi nhét”.

 

Theo các chuyên gia, hiện nay một số phụ huynh vẫn lo lắng về nguy cơ “rối loạn ngôn ngữ” nếu cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm, đây là một nhận định chưa chính xác. Ngay từ nhỏ, có thể cho con làm quen với tiếng Anh thông qua các chương trình ca nhạc, giải trí bằng tiếng Anh dành cho thiếu nhi trên truyền hình để bé cảm thụ ngôn ngữ này một cách tự nhiên. Đến khoảng 3-4 tuổi, phụ huynh có thể gửi bé đến một môi trường tiếng Anh chuyên nghiệp để bé được phát triển kỹ năng ngôn ngữ chuẩn ngay từ đầu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh