Chống lãng phí sách giáo khoa: Muốn sẽ làm được!
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:26 - 27/09/2018
Việc sách giáo khoa (SGK) dùng một lần rồi thôi có lãng phí hay không vẫn là một tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng, SGK giá rẻ, viết trong để các em dễ học dễ nhớ… nên dùng một lần cũng không vấn đề gì. Bên kia cũng áp đảo về việc hàng năm người dân bỏ cả ngàn tỷ đồng mua SGK là chuyện không đáng.
Tùy nhu cầu sử dụng, có lẽ không nhất thiết phải yêu cầu học sinh (HS) không viết, vẽ vào SGK khi mà sách… đã có phần trống “mời mọc” sẵn. Tuy nhiên, việc dạy con trẻ sử dụng và giữ gìn sách và đồ dùng hàng ngày một cách cẩn thận là việc mà phụ huynh, giáo viên cần quan tâm.
Trong sách giáo khoa, nhất là ở bậc tiểu học đều để sẵn phần cho học sinh làm bài, đánh dấu
Ngoài ra, cho dù sách in ấn theo cách thức “bắt” người đọc làm bài, viết ngay trong sách nhưng nếu không cần thiết và vì mục đích tiết kiệm, người sử dụng hoàn toàn có thể khước từ việc này nếu muốn giữ sách cho thế hệ sau.
Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) cho hay, nhiều năm qua, cuối năm học, sau khi tổng kết là nhà trường phát động xin sách cũ của HS. Sách gửi cho các trường khó khăn hay theo chương trình quyên góp sách của Sở và một số, trường giữ lại cho chính HS khó khăn của trường.
Bà Hà khẳng định, nếu thật sự muốn tiết kiệm, SGK cũ hoàn toàn có thể tái sử dụng, do cách của người dùng. Đặc biệt là nên vận động HS sử dụng viết bút chì trong sách, có thể xóa để để sách lại cho lớp sau.
Từ thực tế dạy học của mình, nhiều năm qua, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã có “chiêu thức” sử dụng SGK không gây lãng phí mà HS vẫn đảm bảo được việc học. Thầy khuyến khích HS sử dụng loại giấy ghi chú bán ngoài thị trường với giá rất rẻ. Khi làm bài hoặc ghi bài giảng, tóm tắt bài học, các em ghi vào đây và dán vào trang SGK phù hợp. Với một số bài ngắn gọn, các em có thể trả lời trên bảng HS.
Học sinh được thầy Vũ Hoàng Sơn hướng dẫn sử dụng giấy ghi chú để tránh làm bẩn sách giáo khoa.
Giải pháp này, theo thầy Sơn là "một công đôi việc", vừa không làm bẩn SGK để sử dụng cho năm sau vừa thu hút, tạo hứng thú cho các em vì khi giấy ghi chú có nhiều màu sắc. Chưa kể, thông qua đó, cũng tạo cho các em thói quen cực hữu ích biết note các thông tin khi đọc tài liệu.
Tuy nhiên, đó chỉ mới ở góc độ GV và HS, vẫn chưa quyết định việc sách cũ có được “chuyền tay”hay không. Thầy Vũ Hoàng Sơn đề xuất, để tránh lãng phí thì nhà sản xuất, phát hành, nhà trường, gia đình cùng phải vào cuộc.
Các trường học trong cả nước tổ chức ngày hội trao đổi SGK ngay trước khi kết thúc năm học để HS, phụ huynh trao đổi sách cho nhau. Các em vừa có sách để học vừa được trải nghiệm bài học về tiết kiệm, chia sẻ.
Thầy Vũ Hoàng Sơn cũng nhấn mạnh, hiện nay, các nhà sách thường giảm giá cho HS có giấy khen chưa phát huy tác dụng tiết kiệm. Nếu muốn tránh lãng phí một cách thực chất, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với NXB, các nhà phát hành sách thực hiện “thu sách cũ - đổi sách mới - giảm giá cho HS”. Điều này chắc chắn sẽ giúp tái sử dụng một lượng sách khổng lồ đang bị lãng phí, giảm chi phí mua sách cho người dân, nhà trường thì dạy HS được vô số giá trị về tiết kiệm, kiến thức về sử dụng các sản phẩm tái chế.
Nhiều ý kiến giáo viên cũng cho rằng, để chống lãng phí thật sự, Bộ GD-ĐT cần có những hành động quyết liệt với chính cả nhà xuất bản để họ in ấn một cách khoa học, chất lượng. Ngoài ra, cần có những hành động cụ thể để mọi người thấy được tinh thần tiết kiệm, đồng tình với việc tránh lãng phí SGK.
Nếu thật sự muốn, sách giáo khoa cũ hoàn toàn có thể sử dụng lại được
Còn nếu chỉ đưa ra quy định không để HS viết, vẽ vào sách, “đổ đầu” các cơ sở giáo dục, giáo viên thì bằng cách này hay cách khác, có thể giữ được sách nhưng chưa chắc sách cũ đã được trao tay.
Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trước đây, Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn HS sử dụng SGK, nhắc nhở HS có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35% - rõ ràng cho thấy việc việc “nhắc nhở” này chưa phát huy được hiệu quả tối đa.
Rồi nữa, phụ huynh cũng cần vào cuộc, nếu SGK cũ hoàn toàn còn có thể sử dụng được hãy mạnh dạn, ủng hộ con sử dụng SGK cũ cũng như trao tặng sách cũ cho người khác. Điều này sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm chi phí và nhất là tránh được cảnh hỗn loạn vào năm học mà chưa mua được sách như đầu năm học vừa rồi.
Điều này đòi hỏi, chất lượng in ấn, đóng SGK cần thay đổi, còn không khó tránh tình trạng vừa học vừa lo nghĩ chiêu giữ sách nhưng rồi chẳng dùng lại được.
CÙNG CHUYÊN MỤC
“Xuân nồng ấm, trao yêu thương ” cho HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Nhằm hỗ trợ động viên HSSV có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập và chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn, ngày 30-1, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (thuộc Bộ...
9 tháng trước
Tin nên đọc