THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:22

Chống gian lận thi: Yếu tố con người là quan trọng

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.

 

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, những trục trặc trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và những năm trước đây diễn ra chủ yếu ở khâu tổ chức thi, không phải do khâu làm đề hay các khâu khác. Việc đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày, cần phải có sự giám sát của xã hội chứ không chỉ dừng ở việc giám sát nội bộ, bởi nếu giám sát nội bộ sẽ vẫn dễ xảy ra những tiêu cực. Do vậy phải có giám sát xã hội, tức là đặt và phát camera ở tất cả các điểm nóng, điểm thi, các nơi lưu trữ các bài thi, chấm thi để xã hội muốn quan tâm đều có thể theo dõi, nếu ai đó có ý đồ tiêu cực, họ cũng biết được rằng có hàng triệu con mắt đang theo dõi họ.

Cũng theo TS Khuyến, theo phân cấp của Chính phủ, việc tổ chức thi THPT là việc của các địa phương và người đứng đầu địa phương. Do đó, phải quy trách nhiệm rõ, nếu tiêu cực xảy ra ở địa phương nào thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân. Nếu làm được như vậy, những người đứng đầu ở các địa phương họ sẽ có trách nhiệm cao hơn trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp ở địa phương và sẽ tránh xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử.

Theo GS, NGND Phạm Minh Hạc, mọi giải pháp kỹ thuật hay công nghệ cuối cùng đều do con người làm ra. Những con người cơ hội, tiêu cực sẽ luôn tìm những kẽ hở của quy trình để tìm cách thực hiện tiêu cực. Do đó, kỳ thi có trong sạch hay không thì yếu tố con người quan trọng nhất.

Cùng quan điểm, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT nên chú ý đến yếu tố, tiêu chí lựa chọn và sử dụng cán bộ phục vụ kỳ thi. Nếu tổ chức thi và chấm thi không chú trọng yếu tố con người, chọn người lơ là thì sẽ khiến kỳ thi không thể thành công.

Về chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT giao cho các trường đại học chủ trì, GS, NGND Phạm Minh Hạc cho rằng, như vậy là không có sự tin tưởng ở các thầy cô dạy THPT ở các địa phương. Mình không tin tưởng chính các thầy, cô giáo dạy các em thì tin tưởng ai. “Tại sao chỉ các trường đại học, cao đẳng chấm thi, có thể cùng chấm thi, nhưng loại trừ hẳn thì không nên. Bởi nếu như vậy, các thầy cô giáo ở địa phương có còn đủ uy tín với học sinh, phụ huynh và xã hội không. Với tư cách là một thầy giáo lâu năm trong nghề và tham gia quản lý, nghiên cứu, giảng daỵ nên khi biết được thông tin đó tôi rất suy nghĩ. Bởi người thầy, cô giáo không phải chỉ có kiến thức mà phải có uy tín, học sinh phải tin tưởng vào thầy cô, nếu thực hiện phương án chấm thi như trên thì chẳng khác gì một cú đánh vào đội ngũ thầy, cô giáo hiện nay”, GS Phạm Minh Hạc bày tỏ.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh