Chông chênh theo con sóng
- Bài thuốc hay
- 21:48 - 25/12/2014
Bài 2: Nhọc nhằn đời phu ngao
“Đừng có lo, thi thoảng mới xảy ra tai nạn” !?
Thuyền tăng bo là loại thuyền gỗ, có gắn động cơ, xung quanh thuyền không được trang bị vật dụng tránh va đập, không có các thiết bị an toàn khi lưu thông trên nước. Thường thì thuyền chở được khoảng 3 tấn, loại kiên cố chở được trên 5 tấn, nhiều lái thuyền thường chở trên 20 người cộng thêm 3 - 4 tấn ngao. Dù bị cấm tuyệt đối, nhưng hàng ngày chủ thuyền vẫn sử dụng loại thuyền tăng bo này chở người đi khai thác ngao.
Sau vụ tai nạn, chỉ yên ắng vài hôm, bến lạch Giang Long tấp nập trở lại. Những phu ngao xếp hàng xuống thuyền. Chủ thuyền cho thuyền cập bến, sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới. Con thuyền bé, khả năng chở được ít, vậy mà bao nhiêu người lên thuyền, chủ thuyền vẫn chở hết. Hết thuyền này đến thuyền khác, đông nghịt người, nối đuôi nhau ra bãi ngao.
Giữa đêm đông giá buốt, ai nấy phải ngâm mình trong nước để cào ngao. Kể cả lúc đi, lúc về, lúc nghỉ họ đều lấy con thuyền làm chỗ dựa. Anh Vũ Quốc Tân, một chủ thuyền ở xã Nam Hồng, trấn an dân cào ngao: “Đừng có lo, không lật thuyền như vụ tai nạn vừa rồi đâu”.
Dù bị cấm tuyệt đối, nhưng những con thuyền tăng bo không an toàn vẫn được sử dụng để chở người đi khai thác ngao.
Theo lời anh Tân, chiếc thuyền của anh có thể chở được 5 tấn, chở người thì càng yên tâm, bởi nếu xảy ra chuyện, người ta có thể nhảy xuống nước mà bơi. Thường không mấy khi anh để ý đếm số người lên thuyền, có bao nhiêu người thì cứ lên hết rồi nổ máy mà chạy. “Những vụ tai nạn chết nhiều người như hôm trước hy hữu lắm, thi thoảng mới có một vụ chìm thuyền và chết một người”, anh Tân nói.
Để đi được từ đất liền ra bãi ngao, các phu ngao phải mất hàng giờ đồng hồ lênh đênh trên mặt nước. Thuyền nhỏ, người đông, hai bên lạch sông cây cối tốt um, tầm quan sát hẹp, con nước sâu, có chỗ sâu đến 3 mét nước. Ra đến ngoài xa, con lạch dành riêng cho thuyền lại càng hẹp khi hai bên là những cọc tre rắn chắc nhô lên như muốn chọc thủng con thuyền gỗ đang èo uột rẽ sóng.
Ngày là vậy, đêm xuống, lối đi của thuyền lại càng tối tăm, mịt mờ, nằm giữa bãi ngao hàng vạn hec ta, con thuyền trở nên nhỏ bé, lạc lõng giữa ma trận toàn cọc tre sắc nhọn.
Lái thuyền dựa theo… kinh nghiệm !
Anh Vũ Quốc Việt (xã Nam Hồng), chủ một con thuyền, thật thà: “Chúng tôi lái thuyền là cứ lái thôi, kỳ thực thuyền có đăng ký, đăng kiểm gì đâu. Giấy phép lái thuyền cũng chẳng có, nhiều khi cứ nói vui với anh em là, có bằng lái xe máy thì lái thuyền cũng được, bằng nào cũng là bằng. Nói vui vậy, chứ nếu kiểm tra gắt gao thì mình cũng nên chấp hành nghiêm”.
Cùng là dân lái thuyền, anh Phước (xã Nam Hưng) tâm sự: “Trong số chúng tôi nhiều người đâu có học hành bài bản gì về lái thuyền, cứ người sau học lỏm người trước rồi làm nghề. Lái thuyền dựa vào kinh nghiệm, thấy chỗ thoáng là chạy. Ban đêm tối om, ánh đèn lập loè, mờ ảo, chủ yếu dựa vào cảm tính mà đi...”.
Nghe anh Việt, anh Phước nói vậy, tôi nhìn lên thuyền mà ái ngại. Trên thuyền của tôi bây giờ là 17 người, ngoài chú lái thuyền đã lớn tuổi và tôi, còn lại tất cả đều là phụ nữ. 17 người chen chúc nhau, con thuyền rẽ sóng và chạy thẳng ra khơi xa.
Con thuyền của anh Phước còn đáng ngại hơn khi chở tới 22 người, chỉ có anh là nam giới. Hầu hết họ ngồi bó gối dưới khoang thuyền, người ngồi trên mui thuyền, người ngồi trên thành mép thuyền cho đủ chỗ, mặc cho thuyền chạy, có người ngủ gật, mơ màng, rồi lại giật mình, tất cả chờ lái thuyền hạ neo.
Hàng chục người chen chúc trên một con thuyền không an toàn.
“Vụ lật thuyền thảm khốc vừa rồi là do nước chảy vào thuyền qua ống bao xả. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, bên kia con lạch đã xảy ra một vụ va chạm giữa tàu và thuyền tăng bo. Sự việc diễn ra bất ngờ lúc nửa đêm, cũng lạnh buốt thế này. Mà trên thuyền khi đó cũng không được trang bị gì cả, áo phao cũng không, người trên thuyền lại đang nằm ngủ. Kết cục đáng buồn là cả hơn chục người thiệt mạng” – anh Tân cho biết.
Vụ tai nạn anh Tân kể đã được lãnh đạo xã Nam Thịnh xác nhận, đó là lời cảnh báo mức độ an toàn khi lưu thông trên nước, ấy vậy mà người ta chóng quên quá, họ vẫn để ngoài tai lời cảnh báo đó và vụ tai nạn vừa rồi là một cái giá rất đắt. Bởi chóng quên, nên dù biết hiểm nguy, dân cào ngao vẫn lên thuyền tăng bo ra khơi và mỗi ngày có khoảng trên 50 lượt thuyền đi-về như vậy.
Cần quản lý nghiêm
Quản sinh mạng của bao nhiêu người, thế nhưng nhiều lái thuyền chẳng được đào tạo để có được chứng chỉ hành nghề. Để tránh xảy ra hệ quả đáng buồn, lãnh đạo địa phương cùng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã nghiêm cấm tuyệt đối thuyền tăng bo chở người. Theo đó, loại thuyền này chỉ được dùng trong việc chở ngao, còn người ra bãi ngao sẽ phải đi tàu hoặc đi bộ.
Thế nhưng, từ lâu, thuyền tăng bo đã trở thành phương tiện đi lại của bà con vùng biển. Giờ nói cấm là cấm liền thì cũng khó, đặc biệt là trời đông giá buốt, bà con không thể lội xuống nước mà đi bộ, chưa nói những chỗ nước sâu lút đầu người.
Không một ai được trang bị áo phao khi ra triều ngao.
Nói về vấn đề an toàn giao thông bằng đường thuỷ và việc ra triều ngao khai thác ngao, cũng như ý thức người tham gia đường thuỷ bao gồm cả lái thuyền và người ngồi trên thuyền, ông Trần Đặng Đoàn, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nam Thịnh, cho biết: “Hàng năm, chính quyền xã vẫn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân thực hiện nghiêm công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác vận hành thuyền bè, đảm bảo an ninh trật tự trên đường thuỷ.
Người dân cũng đã tiếp thu khá nghiêm túc. Duy chỉ có việc nghiêm cấm các thuyền tăng bo chở người là chưa thực hiện được bao nhiêu”.
Hiện tại, toàn huyện Tiền Hải có khoảng 500 thuyền tăng bo chuyên dùng để chở ngao. Tuy vậy, người đi cào ngao cũng lên thuyền này đi đi về về như một phương tiện đi lại. Việc cấm thuyền tăng bo thì đã ra văn bản, đã có hướng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành từ lâu nhưng chưa thực sự hiệu quả và nghiêm túc, bởi vướng nhiều yếu tố liên quan đến đời sống và thói quen xưa nay của bà con vùng biển. Và dĩ nhiên, đi cùng với việc thực hiện chưa nghiêm túc là nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông đường thủy, như một số vụ chìm thuyền chết người vừa rồi là hệ lụy rất đáng tiếc.
Các chị Phạm Thị Huê (xã Nam Hồng), Hoàng Thị Chờ (xã Nam Hưng) cho biết, đã mấy chục năm đi cào ngao đêm, các chị chưa biết đến áo phao là gì, cũng chẳng biết hỏi ai, mà đòi hỏi cũng chẳng được. Còn cấm không cho đi thuyền thì các chị biết ra bãi ngao bằng cách nào khi nước có đoạn sâu 2-3 mét. Các chị đi làm thuê, ngày được hơn trăm nghìn đồng, có người thuê đi làm là tốt rồi. |
Theo quy định của pháp luật, tất cả các loại tàu, thuyền có công suất từ 30CV trở lên, bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm, theo đó phải ghi rõ ai là thuyền viên, ai là thuyền trưởng và thuyền gồm những ai, hoạt động trong lĩnh vực nào, các loại bảo hộ an toàn khi ra khơi, khi tham gia lưu thông trên nước bắt buộc phải làm cam kết với đồn biên phòng. Ngược lại, các loại thuyền tăng bo như thuyền chở người ra bãi ngao nêu trên đều không được đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, như vụ tai nạn vừa xảy ra và những gì chúng tôi ghi được thì các loại thuyền tăng bo kiểu này vẫn dùng chở người hàng ngày, theo đó có hàng chục lượt thuyền đi, về mỗi đêm mà không ai quản lý. Trung tá Trần Xuân Phưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Lân, khẳng định: Với những tàu, thuyền đăng ký, đăng kiểm, chúng tôi đều bắt buộc chủ tàu, thuyền viết cam kết. Trong cam kết, người tham gia lưu thông trên biển phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện lưu thông, đảm bảo về an ninh trật tự cũng như việc đánh bắt và bảo vệ môi trường. Đối với các loại thuyền tăng bo, loại này có công suất dưới 30CV, không được đăng ký, đăng kiểm, chúng tôi quản lý theo góc độ khác, tức là nghiêm cấm mọi hành vi chở người ra bãi ngao bằng thuyền tăng bo khi thuyền đó không đảm bảo được an toàn cho người ngồi trên thuyền. |