CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:09

Chọn ngành học đón đầu xu thế

Chọn ngành học đón đầu xu thế - Ảnh 1.

Tư vấn về lựa chọn ngành nghề học cho học sinh.

Khả năng học tập và năng lực của sinh viên

TS Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, hiện rất nhiều trường đào tạo những ngành thời thượng và tên gọi rất hấp dẫn, như: PR, Logistic, Fintech, Trí tuệ nhân tạo (AI), Thiết kế xanh, Thương mại điện tử, Quản trị môi trường doanh nghiệp.

Trở lại 10 năm trước, xu thế này cũng xảy ra ở các ngành: Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Kiểm toán… dẫn tới hệ quả cung vượt cầu, chưa kể là các ngành quá chuyên sâu dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề hoặc thiếu kiến thức tổng quát.  

"Mỗi ngành nghề có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau. Nếu thí sinh có khả năng ngôn ngữ và thích giao tiếp, các ngành về sư phạm, truyền thông, kinh doanh là phù hợp. Còn nếu thí sinh yêu thích tính toán, con số, logic, sự hoàn hảo, các ngành liên quan tới tài chính, kiểm toán sẽ là thế mạnh. Trường hợp thí sinh thích vận động, yêu cái đẹp, các ngành liên quan tới nghệ thuật sẽ là lựa chọn hợp lý. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ bạn thích, khả năng của bạn và quan trọng nhất là thứ xã hội cần", TS Ngô Minh Hải lưu ý.

Th.s Hoàng Trọng, giảng viên Khoa Toán - Thống kê (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngành nghề đào tạo nào cũng cần cho xã hội và thu nhập cao hay thấp sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ quan là khả năng học tập và nắm bắt cũng như năng lực của sinh viên. Những điều đó quan trọng hơn là việc chúng ta học ngành "hot" hay là không "hot", đón đầu xu thế hay không.

"Trong quá trình học tập, bên cạnh kiến thức và thái độ học tập, làm việc, chúng ta chịu khó rèn luyện các kỹ năng vượt trội thì sẽ có nhiều cơ hội nhận mức thu nhập cao hơn sau khi ra trường. Hiện các doanh nghiệp tuyển dụng trả lương không theo thang bậc truyền thống mà đa số trả lương theo hiệu quả công việc, theo đóng góp của cá nhân đối với doanh nghiệp. Vì thế, thái độ của người học với ngành nghề mình chọn rất quan trọng", Th.s. Hoàng Trọng nói.

Còn theo Th.s Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): "Không trường, ngành nào có thể bảo đảm đầu ra việc làm 100% nếu các em không đủ năng lực, không có kỹ năng và thái độ tiêu cực. Khi có năng lực chuyên môn tốt, kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm, sinh viên sẽ tìm được công việc như ý. Vì vậy, ngoài việc chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở trường, người học luôn phải rèn luyện, phấn đấu tốt trong học tập, năng động và tích cực hòa nhập với môi trường mới".

Chọn ngành học đón đầu xu thế - Ảnh 3.

Ngoài việc chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường, người học luôn phải rèn luyện, phấn đấu tốt trong học tập.

Nên chọn ngành trước khi chọn trường

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, những thí sinh đủ năng lực học tập thì nên chọn đại học. Những em có học lực đuối hơn cân nhắc đến những trường nghề. "Như thông tin từ Bộ GD&ĐT, các trường đại học cũng chỉ tuyển được khoảng 70 - 80% chỉ tiêu. Như vậy, cơ hội vào đại học không hề khó khăn. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta đang ở mức thu nhập trung bình, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và phát triển. Do đó, từ nay đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực làm việc trực tiếp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hỗ trợ, gia công, sản xuất, dịch vụ… Đây là những vị trí không cần trình độ đại học mà nằm ở khối giáo dục nghề nghiệp", TS Đồng Văn Ngọc cho biết.

Ông Ngọc khuyến cáo, nếu em nào cũng cố gắng vào đại học bằng mọi giá, tương lai sẽ không thể có đủ vị trí việc làm. Các em có thể phải ứng tuyển vào những vị trí việc làm yêu cầu trình độ thấp hơn bậc đại học, như vậy sẽ gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Đó đang là trực trạng của không ít sinh viên tốt nghiệp đại học phải cất bằng để đi làm lao động trực tiếp hoặc những việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng với thu nhập không cao do không có lợi thế về tay nghề.

"Các em nên chọn ngành trước khi chọn trường. Khi chọn trường, các em cũng cần tìm hiểu kỹ năng lực, chất lượng đào tạo ngành đó ra sao. Với các trường nghề, trường cao đẳng, các em cần xem chính sách hỗ trợ người học sau khi ra trường. Hiện các trường đều công khai phương án tuyển sinh, điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình học, thí sinh có thể tham khảo trên website để có thêm căn cứ lựa chọn", ông Ngọc lưu ý.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh