Chơi facebook có thể… “đáo tụng đình”
- Pháp luật
- 19:48 - 31/12/2014
Tùy hứng tung tin, câu “like”: Vô tình phạm tội !
Vụ việc 4 người bị công an triệu tập vì đăng tải tin đồn thất thiệt về dịch bệnh chết người Ebola xuất hiện ở Việt Nam trên facebook đã và đang khiến hàng triệu người sử dụng Facebook ở Việt Nam giật mình, bởi tùy hứng đăng tin cũng có thể đối mặt với việc vi phạm pháp luật. Trong sự việc này, người vi phạm cho rằng mục đích chỉ để cảnh báo mọi người đề phòng vius Ebola và… câu “like”. Nhưng thực tế, dịch Ebola đang ở mức cảnh báo toàn cầu, những tin đồn không đúng sự thật về dịch bệnh này ở Việt Nam càng khiến dư luận hoang mang, căng thẳng. Vụ việc đã bị xử phạt hành chính.
Cách đây không lâu, ngay khi cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội xác nhận thông tin về việc tìm thấy thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền –nạn nhân của Thẩm mỹ viện Cát Tường, trên một số diễn đàn và mạng xã hội cho rằng: “Chắc chắn có uẩn khúc, đây không phải xác chị Huyền mà là một cái xác khác thế vào”; hoặc: “Theo nguồn tin có được, làm gì có chuyện 9 tháng rồi chưa phân hủy hết xác.
Vì muốn ghép tội cho bác sĩ Tường, trước sức ép dư luận nên người ta đã thay xác”... Những thông tin lập lờ kiểu này ít nhiều đã làm dư luận hoang mang, nghi ngờ cơ quan chức năng và gây mất ổn định xã hội.
Cư dân mạng gần đây cũng xôn xao trên Facebook khi một thanh niên có trang mạng cá nhân là “Quảng Bình quê ta” đăng tải câu chuyện tài xế xe Camry rút súng bắn chết hai người trên xe tải sau vụ va chạm rồi bỏ chạy theo đường ven biển thuộc xã Quang Phú (TP. Đồng Hới- Quảng Bình).
Đăng kèm thông tin là bức ảnh xe cứu hộ và xe Camry trên đường. Người đăng tải câu chuyện này là Ngô Đình Sơn (21 tuổi, trú tại phường Hải Đình, TP. Đồng Hới). Tại cơ quan công an, chủ nhân facebook “Quảng Bình quê ta ơi”, khai lý do khi đăng tải thông tin bịa đặt: “Tôi đăng bài viết “Thanh niên đi xe Camry, giết người, vứt xe bỏ chạy”, trên facebook nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi và để cho nhiều người biết đến trang facebook này hơn mà thôi”.
Đây là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt từ việc xe Camry của Sơn đi ven biển Quang Phú bị sa vào cát phải kêu xe cứu hộ đến cứu. Sơn bị xử phạt 25 triệu đồng vì tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên internet, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Thủ dâm tống tiền, bóp méo sự thật, diễn trò…
Facebook có lợi ích tốt như tốc độ lan truyền nhanh, sẵn sàng chia sẻ thông tin, tìm người thân… nhưng đồng thời cũng có nhiều tác hại. Một số bạn trẻ mạnh tay chém gió trên face, thể hiện anh hùng bàn phím nhưng không hay biết rằng, những ngôn từ nói xấu, bôi nhọ danh dự người khác mà họ viết có thể khép vào phạm tội. Mới đây nhất, Phùng Văn Thành (sinh năm 1989, quê ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã bị xử phạt 4 năm tù giam về việc đưa clip cảnh mình thủ dâm, phóng tinh vào thực phẩm được chế biến của một Cty tại Nga lên facebook, mục đích tống tiền người quản lý cũ đòi 3.000 USD.
Lo sợ đoạn video bị tung lên mạng rộng rãi Cty sẽ mất uy tín, người quản lý cũ của Thành đã nhờ bạn chuyển hơn 63 triệu đồng vào tài khoản của kẻ tống tiền, trong lúc đang rút tiền thì Thành bị công an bắt giữ.
Để thu hút được sự chú ý của mọi người, đã có quá nhiều câu chuyện về sự thật được phóng đại, bóp méo, thậm chí xuyên tạc hoàn toàn trên facebook, đủ mọi cách câu like từ cố tình khoe hàng, khoe tiền, khoe xe..., cho đến khoe bố mẹ, khoe người yêu, khoe tất tần tật những gì có lẫn không có. Chưa đủ, họ còn câu nước mắt và sự chú ý đến mức giả ốm, giả ung thư, giả đau - chảy máu, thậm chí giả chết để khiến cư dân mạng phải thương cảm.
Mới đây, một cô gái trẻ có tên Facebook Pé Kẹo M... đăng ảnh bàn tay bên trái máu me đầm đìa, còn cô gái thì nước mắt lưng tròng bên bức "huyết thư" thấm đẫm "chất màu đỏ nghi là máu". Hành động này của Pé Kẹo M cư dân Facebook đồng loạt lên án hành động thiếu suy nghĩ của thiếu nữ này. Một số người cho rằng, cô gái thể hiện tình yêu một cách mù quáng.
Nhiều người lại khẳng định, hành động đầy máu me chẳng qua chỉ là cố tình lấy máu ở đâu bôi lên rồi post lên Facebook khiến người khác phải chú ý. Có lẽ, cô gái có tên Facebook là Pé Kẹo M... không ngờ, hành động rạch tay (chưa biết thật hay giả) của mình lại đem đến một kết quả ngược hoàn toàn ý định ban đầu. Với 100% ý kiến ném đá, thậm chí lên án thói quen làm trò để chụp ảnh câu view từ cư dân mạng, cô gái này đã phải khóa tài khoản Facebook.
Cũng hành động bôi máu lên mặt, một thiếu nữ ở Hải Dương đã đăng lên trang cá nhân ảnh chụp khuôn mặt và hai tay mình dính đầy chất màu đỏ, nhằm tỏ lòng hiếu thảo với mẹ. Bức ảnh đầy máu và nước mắt với nội dung "đau đớn vì đã gây ra nỗi đau cho mẹ" lập tức nhận hàng nghìn “rổ đá” từ cộng đồng mạng. Tất cả đều chế giễu đây là hành động giả mạo, lố bịch nhất từ trước đến nay bởi "Mẹ nào lại có trên facebook để xem tay con máu me", hơn nữa một nick name đã vạch mặt thiếu nữ "Lấy máu lợn ở đâu bôi vào mặt lắm thế!".
Ranh giới mong manh!
Theo TS Trịnh Hòa Bình, mạng xã hội - từ lâu đã trở thành cuộc sống thứ 2, song hành cùng đời thực của người sử dụng. Tuy nhiên, vì tính chất tự do, không kiểm soát nội dung nên đây cũng là nơi để người ta phóng đại sự việc, thể hiện thái quá những thứ không thuộc về mình. Rồi cũng từ đây, người chơi mạng nhiễm luôn thói quen xấu như: Chém gió, thích khoe khoang, tung tin đồn, nghiện… thể hiện bản thân, mặc dù ngoài đời không thực sự như vậy.
Vì vậy trước những tin đồn cần phải xác định rõ những đầu mối nảy sinh tin đồn. Có thể phân chia chúng thành hai loại: Người đưa tin đồn sơ khai và người đưa tin đồn ác ý. Với trường hợp thứ nhất, người đó chỉ muốn được coi là thạo tin, hay chuyện, dạng như “thông tấn xã vỉa hè”. Trường hợp thứ hai là muốn bôi bác xã hội, gây nguy hại cho sản xuất kinh doanh...
Đứng trước tin đồn, người làm công tác quản lý Nhà nước phải xác định rõ tính chất nhằm nghiên cứu, điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến việc phát triển đất nước. Với những dạng tin đồn xấu, cần làm rõ nguồn gây ra tin đồn để giáo dục, răn đe.
Ranh giới mong manh giữa trò chơi câu “like” trên facebook và vi phạm pháp luật là có thật. Lâu nay, người sử dụng facebook vẫn coi việc đăng tải những thông tin gây sốc, thiếu chính xác như một “trò chơi vui”, có thể do mơ hồ về pháp luật, nhưng điều này không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý, đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.
Việc những người quen “chém gió” trên các trang mạng xã hội đã và đang bị cơ quan công an điều tra xử lý mới đây đã trở thành một bài học đắt giá, góp phần giúp hàng triệu người Việt đang dùng facebook tỉnh táo hơn khi “buôn chuyện” các trang mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Cty Luật TNHH FANCI (Hà Nội) cho biết, Điều 122 Bộ luật hình sự quy định, người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội “Vu khống”. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Người nào thực hiện hành vin “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. |