Đặc sắc lễ hội Việt Bắc trên Tây Nguyên
- Văn hóa - Giải trí
- 20:37 - 11/02/2017
Vùng đất của các dân tộc anh em cùng chung sống.
Cách thành phố Buôn Ma Thuột 70 km, xã Ea Tam thuộc huyện huyện Krông Năng là một xã thuần nông, với dân số khoãng 2200 người, và có rất nhiều dân tộc anh em chung sống như người Kinh, Tày, Nùng,Dao,Sán Dìu, Ê Đê, Mơ Nông…cùng chung sống. Nhưng chiếm đa số là người Tày,Nùng từ phía Bắc vào đây làm ăn sinh sống, vì thế nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình bà con luôn lưu giữ và phát huy để hòa vào dòng văn hóa của các dân tộc anh em khác cùng chung sống trên quê hương mới.
Người dân tham gia lễ hội
Xã Ea Tam được ví như một Tây Bắc thu nhỏ, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Mưu sinh trên vùng đất mới nhưng đồng bào Tày, Nùng vẫn luôn nhớ về quê cũ và lưu giữ bản sắc, nghi lễ của dân tộc mình. Hằng năm, cứ vào Rằm tháng giêng, Lễ hội dân gian Việt Bắc được tổ chức đều đặn với phần lễ và phần hội rất long trọng, gồm các nghi lễ ( Lễ lòng tồng) hay còn gọi là lễ xuống đồng, Cúng Thổ công, cầu mùa, hội đàn tính, hát then, hội tung Còn, bắn Nỏ, các trò chơi dân gian: Đẩy gậy, kéo co, Lầy cỏ.. hội thi ẩm thực,làm bánh Chưng, bánh Dày, làm bánh Khảo, bánh Trời, bánh Tro bếp, khẩu Ri, Heo quay, nấu rượu… thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách từ các nơi đổ về xem hội. Đồng thời đồng bào Nùng, Tày từ khắp các nơi trên Tây Nguyên cũng đã về đây tham gia.
Các thiếu nữ làm bánh dày
Trong lễ hội có nhiều trò chơi và các tiết mục đặc sắc mà không ít người Tây Nguyên chưa hề được biết đến như: Cách nấu cất rượu men lá, cách quay heo với lá mắc mật (lá này được bà con mang từ Bắc vào), cách làm bánh Chưng, bánh dày,khảo, bánh tro bếp, nấu xôi ngũ sắc, và xem điệu múa xòe của người Thái, nghe vài điệu hát then, lượn cùng cây đàn tính của người Tày, Nùng và xem những người đàn ông mặc áo chàm, ngồi quây quần uống rượu đàn hát khi men đã ngấm… Lễ hội nhằm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người sức khỏe, xóm làng yên vui, đồng thời cũng là dịp để nam thanh nữ tú gặp mặt, giao duyên...
Biểu diễn văn nghệ đàn Tính
Trong phần lễ trang nghiêm, ông Đinh Công Hưởng, Bí thư Đảng bộ xã cũng là người chủ tế đã trang nghiêm cúng thổ công cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,nhân dân no ấm và cày những luống cày đầu tiên, các đoàn thể sẻ theo sau luống cày mà reo hạt giống xuống.
Sau phần lễ mọi người bắt đầu vào phần hội. Có lẽ đây là phần được tất cả mọi người nhất là giới trẻ mong chờ nhất và náo nhiệt nhất của lễ hội. Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng của mùa Xuân miền núi phía Bắc cất lên làm đắm say lòng người. Các chàng trai, cô gái Tày duyên dáng trong bộ áo chàm, cây đàn Tính trên tay, cất lên điệu Then hát mừng trẩy hội. Bên cạnh đó, du khách còn được người dân bản địa mời uống ly rượu nấu tại lễ hội với 6 loại lá cây rừng, tận mắt xem cách quay heo nhồi lá mắc mật, thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống như: Bánh khẩu ri, bánh dầy, tro bếp, sừng bò, bánh trời…Tất cả mọi như hòa vào không gian văn hóa lễ hội như chính trên mảnh đất quê hương vậy. Trong khu trại của thôn Tam Hiệp tôi đã được đọc hai câu thơ rất hay là: “Dù xa cách mấy trùng dương. Đi đâu cũng có quê hương trong lòng”. Đã thể hiện được bản sắc văn hóa và truyền thống nơi đây không bao giờ phai nhạt dù có xa xôi cách trở quê hương đến mấy đi nữa.
Ông Đinh Công Hưởng- Bí thư Đảng ủy xã, chủ tế cày luống cày đầu tiên
Theo ông Đinh Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, Lễ hội là một hoạt động văn hóa mang đậm chất dân gian. Chính quyền xã và cá nhân ông rất vui mừng, vì đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc di cư đến sinh sống trên vùng đất mới nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa các dân tộc tại Đắk Lắk. Thông qua các hoạt động này, cộng đồng các dân tộc có dịp được giao lưu, khắc sâu tinh thần đoàn kết và giữ vững những nét tín ngưỡng lành mạnh…Năm nay lễ hội có khoảng 10.000 người tham gia, có cả người nước ngoài về đây tham gia lễ hội.
Hàng nghìn người tham gia lễ hội
Về đây chúng tôi cảm nhận được một không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Bắc mà còn hòa chung vào nét văn hóa của các dân tộc khác cùng tham gia, những chàng trai, cô gái thi nhau giã xôi nếp để làm bánh Dày, và khéo léo gói bánh Trưng, các chàng trai quay Heo, giết Trâu làm đồ nhắm và bán cho thực khách xem lễ, hội. Món thịt Ngựa cũng được bày bán và chế biến món ăn đặc sắc của người Tày có vị rất ngon như món Thắng Cố cúng tổ tiên của đồng bào Mông phía Bắc.
Một Chợ Tình thu nhỏ và đặc sắc trên Tây Nguyên
Đồng bào Tây Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp rất đông và sống rải rác ở cả 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, nhưng tổ chưc lễ hội theo bản sắc văn hóa đặc trưng Tây Bắc thì chỉ có duy nhất ở Ea Tam là có quy mô và đặc sắc. Vì vậy những người Tày, Nùng trên khắp Tây Nguyên về đây để tham dự, trong những trò chơi và giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Những cặp trai gái lại chuyện trò về công việc học tập, làm ăn, và họ cùng nhau bắt đôi tung Còn chọn bạn. Trong không khí vui mừng của lễ hội, các cặp trai gái đã phải lòng nhau rồi lên duyên vợ chồng, những cặp khác cũng sẻ lưu lại với nhau một hình ảnh đẹp và từ đó họ cũng nên duyên.
Người dân bày bán các món bánh đặc sản của người Tày và Nùng
Trong niềm vui chung em, Hoàng Thị Minh, người dân tộc Tày ở huyện Ea Hleo, cho biết: Năm 2012 em cũng đi lễ hội ở đây và đã gặp được chồng em bây giờ, chúng em đã yêu nhau và lấy nhau giờ đã có một cháu trai, gia đình em sống rất hạnh phúc và no ấm, em cảm ơn Chợ tình này.
Em Hoàng Thị Nhung, người dân tộc Tày ở tại xã Ea Tam cũng vui mừng vì từ lễ hội này em lấy được người chồng dân tộc Nùng ở huyện Ia Hleo. Gia đình luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Ông Đinh Công Hưởng cho biết thêm: Ở đây chúng tôi đặt là Lễ hội văn hóa Việt Bắc chứ không phải chợ tình, Chợ tình chỉ là cách các cặp thanh niên chưa vợ, chưa chồng gọi thôi. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận thông qua lễ hội này đa số thanh niên họ đã yêu nhau và lấy nhau sống rất hạnh phúc vì thế thanh niên ở đây hay gọi là Chợ tình trên Tây Nguyên cũng có lý”.
Những lễ hội bao giờ cũng mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, cần lưu tâm bảo tồn và phát huy trước những trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai. Việc tổ chức các lễ hội của các dân tộc phía Bắc trên mảnh đất Tây Nguyên đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, khuyến khích người dân biết trân trọng, tự hào và giữ gìn những nét đẹp văn hoá vốn có của dân tộc mình, đồng thời hòa vào dòng chảy văn hóa của các dân tộc trên Tây Nguyên tươi đẹp.