CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Chính sách với lao động nữ: Nhiều quy định khó thực hiện

 

Tại  hội nghị “Giới thiệu, triển khai nghị định số 85/2015/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ”  vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, nhìn tổng quát Nghị định khá nhân văn, nhưng việc triển khai không hề dễ bởi còn nhiều quy định bất cập, gây khó cho doanh nghiệp.

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), Nghị định 85 được xây dựng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát doanh nghiệp. Trong đó, có quy định mang tính bắt buộc phải thực hiện, có quy định lại mang tính tùy nghi, mang tính lựa chọn, không quy định thời gian chính xác để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.

Đưa ra ý kiến về những quy định trong Nghị định này, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Văn phòng Giới sử dụng Lao động (VCCI) cho biết, cho dù doanh nghiệp (DN) đã được tiếp thu trong quá trình xây dựng nghị định, nhưng họ vẫn thấy khó khăn khi tổ chức thực hiện vì một số quy định chưa phù hợp, mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích. Đơn cử như việc bắt buộc xây dựng nhà tắm tại tất cả các DN, cần phải làm rõ việc xây dựng nhà tắm thực sự cần thiết cho một số nhóm DN trong lĩnh vực cụ thể nào? “Rất nhiều DN sản xuất công nghiệp nhẹ có xây dựng nhà tắm với trang thiết bị hiện đại nhưng “bỏ hoang”, vì công nhân không có nhu cầu dùng tới. Việc xây dựng nhà tắm ở tất cả các DN có thể sẽ gây lãng phí”, bà Lan Anh nói.

Ảnh minh họa.  (nguồn: Internet).

Cũng theo Nghị định 85, Điều 2 quy định thời gian nghỉ trong kỳ “đèn đỏ” của lao động nữ; Điều 5 quy định về việc khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng trở lên vắt, lưu trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, thời gian nghỉ do người lao động thoả thuận với người sử dụng lao động. Đại diện của VCCI cho rằng, những quy định này khó thực hiện vì các DN khó sắp xếp công việc khi mà họ sử dụng đa phần là lao động nữ. VCCI đề nghị các bộ, ban, ngành cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN thực hiện nội dung này.

Nhiều đại biểu khác cũng băn khoăn, trên thực tế, việc bố trí phòng vắt sữa tại các Cty, xí nghiệp có lao động nữ nuôi con nhỏ đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi, phát động từ năm 2012. Tuy nhiên đến 8/2015, trên cả nước chỉ có  70 phòng vắt sữa được bố trí tại các DN, cho thấy việc thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động trong việc đầu tư phòng vắt sữa cho lao động nữ không hề đơn giản.

Việc xây dựng nhà trẻ cho lao động nữ cũng là nhu cầu bức thiết.  Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong hơn 2 triệu công nhân lao động tại các KCN- khu chế xuất trên cả nước, nữ chiếm 60-70%, trong đó hơn 60% lao động nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ. Chính vì vậy, tại Nghị định 85, quy định người sử dụng lao động phải xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo đã mở ra cơ hội cho con em nữ lao động được gửi vào trường có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng,  không thể chỉ trông chờ vào các DN, mà cần có sự tiếp sức từ Nhà nước và xã hội. Nhà nước cần có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nhu cầu gửi trẻ ở các KCN và khu chế xuất rất lớn nhưng quy mô trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non ở các KCN, khu đông dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, việc thực hiện các văn bản liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa triệt để, nên các DN, nhà đầu tư khi vay vốn còn gặp nhiều khó khăn ở trình tự, thủ tục.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, những năm qua đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để phụ nữ được bình đẳng, có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực lao động-việc làm. Đây cũng là điều mà Nghị định 85 NĐ-CP hướng tới. Để việc triển khai có hiệu quả, Thứ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách để bảo đảm, thúc đẩy thực hiện các quy định của Nghị định. Đồng thời có những chính sách xử phạt, các biện pháp xử lý đối với việc vi phạm các quy định về chính sách đối với lao động nữ.  

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh