THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:23

Chính sách ưu đãi người có công luôn được hoàn thiện phù hợp điều kiện kinh tế đất nước

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Cục trưởng Cục NCC Đào Ngọc Lợi tại bữa cơm thân mật trong buổi gặp mặt các Bà mẹ VNAH.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Cục trưởng Cục NCC Đào Ngọc Lợi tại bữa cơm thân mật trong buổi gặp mặt các Bà mẹ VNAH.

Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành trên 30.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn, giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang giúp người thân của liệt sĩ đến thăm viếng hoặc thăm viếng ngay tại gia đình thông qua Cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước cũng ban hành Quyết định tặng quà cho trên 1,5 triệu NCC với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và  NCC ngày càng được đầy đủ, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, công tác chăm sóc NCC những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần sớm được khắc phục. Cuộc sống của một số NCC còn nhiều khó khăn, công tác hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, điều trị thương tật do chiến tranh, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho NCC và thân nhân NCC chưa được chu đáo; vẫn còn một số NCC chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. Một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, NCC chưa được phát hiện và xử lý kịp thời… Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, chỉ đạo về thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng. Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 và số 04/2012/UBTVQH13, Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ, trình UBTV Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14. Pháp lệnh đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận NCC với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; bổ sung, mở rộng cả về đối tượng và chế độ ưu đãi.

Triển khai Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đã thu được nhiều kết quả tích cực từ việc xem xét, công nhận NCC đến việc quy định nhiều chính sách mới tương ứng với từng diện đối tượng. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2  triệu NCC. Trong đó, người  hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 là trên 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩa 19/8/1945 gần 16.500 người; liệt sĩ trên 1,2 triệu người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng gần 140.000 người; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động gần 1.300 người; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh gần 800.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trên  320.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày trên 111.000 người; NCC giúp đỡ cách mạng trên 4,3 triệu người; thân nhân  NCC trên 500.000 người…

Bên cạnh đó, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ ưu đãi khác đối với NCC và gia đình NCC cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: Chính sách BHYT; hỗ trợ nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và NCC với cách mạng... Hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả: hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được đông đảo người dân và thân nhân liệt sĩ truy cập với hàng nghìn lượt/ngày, qua đó hàng trăm thân nhân liệt sĩ tìm được mộ liệt sĩ…

Cùng với vai trò chủ đạo của Nhà nước, công tác chăm sóc NCC với cách mạng được xã hội hóa sâu, rộng từ Trung ương đến địa phương, huy động được tiềm năng to lớn của cộng đồng vào việc chăm sóc, ổn định đời sống NCC. Từ những hành động “hiếu nghĩa bác ái” và phong trào “Mùa đông binh sĩ” trong những năm đầu sau cách mạng tháng 8 đến những vườn cây, ao cá, thửa ruộng, con gà, hũ gạo... nghĩa tình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển thành 5 chương trình (Nhà tình nghĩa, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng).

Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho NCC từ 1,624 triệu đồng lên mức 2,055 triệu đồng

Ngày 21/7, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Cụ thể, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 01 năm, dưới 06 tháng được tính là 06 tháng.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm đó.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023.

 

 

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình NCC với cách mạng. Trong 10 năm qua, được sự quan tâm hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước phong trào đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước đã tiếp nhận khoảng 7.600 tỷ đồng, xây mới 76.000 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 63.000 nhà với tổng số tiền 13.000 tỷ đồng, tặng 114.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị 400 tỷ đồng, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn được các đoàn thể chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo chu đáo.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cùng sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của NCC và thân nhân NCC với cách mạng, đến nay 99% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Như vậy, đến nay hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi NCC được sửa đổi, bổ sung, kế thừa qua nhiều thời kỳ lịch sử, phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của NCC và gia đình. Chính sách ưu đãi NCC đã phản ánh vai trò, trách nhiệm chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương và huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội; khơi dậy tinh tần trách nhiệm, sự quan tâm chăm sóc của toàn xã hội đối với NCC và sự vươn lên của NCC và thân nhân, góp phần nâng cao đời sống NCC và gia đình, nhằm ổn định chính trị xã hội, phát triển đất nước. 

Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh