Chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non:Ưu tiên đặc biệt trẻ mầm non
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:50 - 19/01/2016
Ưu tiên đặc biệt trẻ mầm non
Trước đó, theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 (Quyết định 239) ,trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vùng núi cao, biên giới, trẻ em con gia đình nghèo được hỗ trợ ăn trưa 394.000 đồng/trẻ/năm. Còn với Quyết định số 2123/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015” quy định, trẻ em mẫu giáo thuộc 9 dân tộc rất ít người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum) được nuôi, chăm sóc, giáo dục tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản, các trường, lớp mầm non công lập. Cụ thể, trẻ em dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học mẫu giáo tại các trường, lớp mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng.
Theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg về Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học để duy trì bữa ăn trưa tại trường.
Hỗ trợ giáo viên mầm non
Những giáo viên được kéo dài một số chính sách, gồm: Giáo viên mầm non (gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt) ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hay đang công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.
Bên cạnh đó, một số chính sách được kéo dài đối với giáo viên mầm non, như: Được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (nếu lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Đặc biệt, đối với các đối tượng là giáo viên mầm non không kể công lập hay dân lập đều được hỗ trợ tài liệu, thiết bị và chi phí tập huấn khác (nếu có) khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập, dân lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Để không bị gián đoạn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, ảnh hưởng tới đời sống giáo viên và hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 2417/TTg-KGVX về việc kéo dài việc thực hiện một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. |