Bảo hiểm thất nghiệp: “Phao cứu sinh” cho người lao động
- Bài thuốc hay
- 13:25 - 21/09/2017
Giải quyết “Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”
Với phương châm giải quyết “Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” và coi nhiệm vụ “tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp tìm được việc làm quay trở lại thị trường lao động” là nhiệm vụ trọng tâm then chốt của Trung tâm DVVL Ninh Bình và cũng là sát với việc thực hiện chính sách BHTN.
Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm DVVL Ninh Bình
Để thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua, Trung tâm luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để đưa các thông tin về chính sách BHTN, lồng ghép tuyên truyền chính sách BHTN đến các doanh nghiệp và người lao động tại các phiên Giao dịch việc làm hằng tháng, các hội nghị tư vấn GTVL, pháp luật lao động, BHTN, đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động nói chung và đặc biệt là lao động hưởng BHTN biết đến những thông tin về chính sách BHTN, thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, các trường nghề giúp họ có cơ hội tìm được việc làm mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc giải quyết chính sách BHTN ngoài văn phòng chính của Trung tâm tại Khu Làng nghề Ninh Phong, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình còn có 02 chi nhánh văn phòng BHTN tại huyện Yên Khánh và huyện Nho Quan.
Chị Đinh Thị Thúy xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết: “Các cán bộ tư vấn về chính sách BHTN của Trung tâm rất nhiệt tình, không những giải thích cặn kẽ những quyền lợi người lao động được hưởng, mà chúng tôi còn được tư vấn, giới thiệu việc làm mới. Bản thân tôi, trong thời gian chưa có việc làm mới, đã nhận đúng và đủ số tiền được trợ cấp BHTN. Dù chưa tìm được công việc mới, nhưng với số tiền TCTN này, cuộc sống cũng tạm ổn định trong thời gian tìm việc. Chính sách này rất thiết thực với những lao động như chúng tôi”.
“Phao cứu sinh” cho người lao động
Tính đến 31/8, Trung tâm DVVL Ninh Bình đã tiếp nhận 2.296 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, và có 2.116 người có quyết định đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Tư vấn, GTVL cho 10.069 lượt người. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp đến nay là hơn 21,740 tỷ đồng. Hỗ trợ học nghề cho 09 người, tổng số kinh phí hỗ trợ học nghề là gần 32 triệu đồng.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Ninh Bình Đào Thanh Hải cho biết: “Tại một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, không chỉ người lao động mà chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đều cho rằng tham gia BHTN là để sau này khi mất việc làm được hưởng chế độ hàng tháng như chế độ hưu trí”.
“Khi nghe người lao động và chủ sử dụng trao đổi như vậy, chúng tôi phải phân tích thật cụ thể từng chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng lao động; trách nhiệm của tổ chức công đoàn khi tham gia BHTN” - ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, chính sách BHTN là nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập tạm thời dành cho những người lao động bị mất việc làm. Song người lao động khi bị mất việc làm để hưởng chế độ BHTN phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật về BHTN. Mặc dù khoản TCTN chỉ là một phần thu nhập khi mất việc làm nhưng thực sự đó là “phao cứu sinh”, giúp người lao động có thu nhập khi bị mất việc làm. Mặt khác, chính sách BHTN còn hỗ trợ người lao động được học nghề, được hỗ trợ tìm việc làm, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, lao động Nguyễn Thanh Sơn ở phường Bắc Sơn (Tam Điệp - Ninh Bình), cho biết: “Tôi tham gia BHTN ngay khi vào làm trong công ty TMQT Minh Quang. Thời gian qua, vì chuyện gia đình tôi xin nghỉ làm. Tôi được Cty giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách liên quan. Tôi đến TT DVVL Ninh Bình để làm thủ tục hưởng TCTN, cán bộ TT đã tư vấn và giới thiệu cho tôi đi làm tại CTy TNHH TMPT Thuận Nghĩa, mức lương và thu nhập của Cty này tốt hơn Cty cũ nên tôi nhận lời đi làm luôn, không cần hưởng TCTN nữa”.
Chính sách BHTN đi vào cuộc sống
Khẳng định về sự thiết thực của chính sách này, ông Hải cho biết: “Khi bị thất nghiệp, người lao động không chỉ được TCTN mà còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, được hỗ trợ học nghề để có nhiều cơ hội chuyển đổi việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế trong suốt thời gian tìm việc; đối với doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh. Như vậy, khi tham gia BHTN, người lao động có nhiều quyền lợi ưu đãi hơn đối với các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đây khi chính sách BHTN chưa đi vào cuộc sống”.
Chia sẻ về những thành công của Trung tâm DVVL tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, ông Đào Thanh Hải nói: "Chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi quy trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp: bằng phương pháp: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề trước và là mục tiêu then chốt, tiếp nhận giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp là mục tiêu tiếp theo, 2 mục tiêu này gắn kết không rời để thực hiện mục đích của chính sách”.
Theo ông Hải, quy trình này đã giúp Trung tâm tư vấn cho 694 lao động năm 2016 đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại thị trường lao động mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp, 14 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. 08 tháng đầu năm 2017 tư vấn cho 307 lao động không hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới quay trở lại thị trường lao động, 09 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề.
Làm thế nào để đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, kỹ năng tư vấn cho cán bộ. Trong đó, công tác liên kết, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp, chia sẻ về vấn đề này, ông Hải cho rằng cần phải lấy công tác thông tin thị trường là nhiệm vụ then chốt thực hiện mục đích của chính sách. "Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp tới các doanh nghiệp và người lao động phải tiếp tục thường xuyên. Tăng cường công tác phối kết hợp với BHXH tỉnh đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động. Đây sẽ luôn là địa chỉ tin cậy cho những người lao động nói chung và lao động thất nghiệp nói riêng” - ông Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn gặp một số khó khăn do nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động vẫn chưa đầy đủ. Theo ông Hải thì để chính sách ngày càng lan tỏa sâu rộng vào đời sống thì ngoài sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, ngành BHXH, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị sử dụng lao động để người lao động được tham gia và thụ hưởng quyền lợi theo đúng nghĩa ASXH.