THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:51

Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ lại cho người lao động

Tại Nghị quyết 34/NQ-CP, Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp. Đây là việc làm hết sức thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

 

Ông Đỗ Văn Vẻ, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII- Phó Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Hương Sen

- Trong điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH nên Chính phủ chủ trương giảm khoảng 0,5% cho việc đóng BHTN cho người lao động. Với tư cách là một doanh nghiệp, ông thấy đề xuất này tác động thế nào tới doanh nghiệp?

- Đây là đề xuất kịp thời trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với suy thoái và bất ổn kinh tế thế giới, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khách hàng trên khắp thế giới. Đồng thời, việc giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ trên sẽ góp phần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, khi mà đầu năm 2017 đã áp dụng mức lương tối thiểu mới.

Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam phải nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và BHTN cao hơn các nước trong khu vực nên cũng cần phải nghiên cứu, xem xét giảm bớt khoản đóng góp nào đó, nếu có điều kiện.

Tôi đồng thuận với phương án này của Bộ LĐTB&XH và cho rằng trên cơ sở đã rà soát các nguồn Quỹ BHTN, tai nạn lao động, thì phương án giảm một phần tỉ lệ đóng rất có tính khả thi. Vì nếu giảm 1% tỷ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động, các doanh nghiệp sẽ giảm được 4,5% tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm.

Do đó, nếu được áp dụng, với tư cách là doanh nghiệp, tôi cho rằng số tiền được giảm sẽ là khoản hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện áp lực về nguồn chi lương nhân công, sản xuất và cạnh tranh môi trường trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. 

- Có nghĩa là phương án này sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh đúng không, thưa ông?

- Đúng thế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải trải qua những thử thách nghiệt ngã và mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Mấy năm qua theo VCCI, mỗi năm có trên 50% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, có nghĩa là họ đang lỗ hoặc cùng lắm là hòa vốn. Và điều này cũng có nghĩa là khoản đầu tư của phần lớn các chủ doanh nghiệp đã không được “trả lương”. 

Mặt khác, trong bối cảnh chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí thủ tục hành chính còn cao… dù đã cải thiện nhiều thì cũng đang là không ít rào cản khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc nhiều hơn khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, thậm chí sẽ chuyển sang các nước có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Như thế sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng việc làm được tạo ra.

Cùng với đó, theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương hiện tại, còn hơn 20% người lao động có mức thu nhập không đủ sống, chỉ có 8% người lao động có tích lũy. Còn lại là số lao động có mức thu nhập phải chi tiêu rất dè sẻn.

Do đó với phương án này, doanh nghiệp rất hoan nghênh, vui mừng vì thể hiện sự quan tâm thiết thực của cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp và người lao động. Đó là sự thấu hiểu khó khăn và chia sẻ kịp thời đối với các thành phần lao động, sản xuất tạo nguồn thu cho xã hội, đồng thời thể hiện tư duy quản lý công bằng.

Theo đó, tôi cho rằng, cần xem xét, nghiên cứu thêm để kiến nghị có những điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH ở các quỹ ngắn hạn cho phù hợp. Cụ thể như quỹ bảo hiểm ốm đau, thai sản, TNLĐ có thể xem xét giảm mức đóng ở những thời điểm nhất định- không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người lao động.

- Vậy với số tiền tiết giảm này, doanh nghiệp của ông tính đến việc sử dụng vào các khoản phúc lợi cho người lao động không, thưa ông?

Giảm tỷ lệ đóng quỹ này sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp, do đó tất nhiên góp phần thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, để đảm bảo được mức thu nhập, duy trì được công ăn việc làm cho người lao động, tôi cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình khi tham gia giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Có như vậy mới giải quyết được mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Song, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu được giá trị sản phẩm của người lao động làm ra; thực hiện được quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng người lao động đóng BHXH, BHTN và các nhu cầu thiết yếu khác, như thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động. Có như vậy người lao động mới yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp được.

Do đó, bản thân tập đoàn Hương Sen cũng như các doanh nghiệp khác với số tiền tiết giảm này, chắc chắn sẽ có điều kiện hỗ trợ lại cho người lao động khi cần thiết, hoặc sẽ tính toán để tuyển thêm lao động, hoặc mở thêm đại lý kinh doanh… tùy chiến lược và sự phù hợp của từng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Tôi tin là vậy.

-  Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2016 là 56.486 tỉ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.

Như vậy, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp thì việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là điều cần thiết.

Thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động, có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.

 

THANH NHUNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh