Chính quyền làm ngơ, người dân bị doanh nghiệp chiếm đất
- Pháp luật
- 12:16 - 07/10/2016
Ông Hoàng Kim Diệu, Trưởng thôn Mỹ Hảo cho biết, cách đây hơn 20 năm, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của Đảng và Nhà nước để đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Khu đất đồng ngoài là khu ruộng trũng chỉ trồng được 2 vụ lúa, không thể tăng vụ đông. Vì thế đất thường bị bỏ hoang khoảng 3 tháng mùa Đông, nên khi đó, UBND xã Ngọc Liên đã giới thiệu Công ty TNHH Dây và Cáp điện Yên Viên (gọi tắt là Công ty Yên Viên) về địa phương xin thuê đất và đã thỏa thuận với nhân dân về phương thức hợp tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Người dân thôn Mỹ Hào bức xúc kể lại sự việc.
Sau nhiều lần thương thảo, các bên đã đi đến thống nhất ký hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất của hộ gia đình và cá nhân. Thời hạn chuyển đổi là theo thời hạn của Nghị quyết 03/NQ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương (thời hạn giao đất là 20 năm tính từ thời điểm giao đất là từ 1993) vẫn giữ nguyên mục đích sản xuất nông nghiệp. Đáng lưu ý, Công ty TNHH Dây và Cáp điện Yên Viên không có đất để đổi cho bà con xã viên, vì thế đồng ý thanh toán cho bà con số tiền là 46.000.000 đồng /sào. Ở đây mặc dù là hợp đồng chuyển đổi, nhưng thực chất là hợp đồng thuê đất để sản xuất nông nghiệp.
Thời gian đầu, Công ty Yên Viên thực hiện rất nghiêm túc, chuyển đổi toàn bộ khu đất từ trông lúa sang trông cây ăn quả có giá trị cao khác như chuối, chanh, ổi… Sau khi thấy công ty này thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vậy người dân rất phấn khởi, vì đồng đất quê hương đã thay da đổi thịt, đồng thời định hướng đi mới cho bà con nhân dân sau khi hết thời hạn chuyển đổi.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn chuyển đổi như đã thỏa thuận (năm 2013) các hộ gia đình trong thôn yêu cầu Công ty Yên Viên bàn giao trả lại đất để bà con tiếp tục sản xuất, thì đại diện Công ty này trả lời, Công ty đã làm việc với chính quyền địa phương là nhận chuyển nhượng số diện tích đất trên, chứ không phải là chuyển đổi như lúc đầu. Một người dân cho biết: “Bức xúc trước câu trả lời của Công ty TNHH Dây và Cáp điện Yên Viên, sau khi biết thông tin này người dân chúng tôi đã làm đơn gửi UBND xã Ngọc Liên Yêu cầu giải quyết. Lúc đầu lãnh đạo xã Ngọc Liên cố tình né tránh, nhưng sau đó lại trả lời dân là đất đã chuyển nhượng rồi bây giờ sao đòi lại được. Chúng tôi vô cùng thất vọng với thái độ thiếu trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương đối với người dân, khi lợi ích của chúng tôi đang bị chiếm đoạt”.
Người dân bức xúc dựng lều trước cổng nhà máy gạch
Do chính quyền xã không giải quyết, nên người dân làm đơn gửi đi các cấp để yêu cầu giải quyết, nhưng vẫn không có hồi âm. Tháng 7/2016, công ty TNHH Dây và Cáp điện Yên Viên cùng chính quyền xã đã thông báo cho người dân về việc xây dựng nhà máy sản xuất gạch tại xứ đồng ngoài, cùng với việc thông báo là UBND xã Ngọc Liên đã cung cấp bộ hồ sơ, thủ tục cấp phép cho công ty TNHH Dây và Cáp điện Yên Viên để xây dựng nhà máy gạch Tuynel.
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Dân sinh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên về vấn đề trên. Ông Tân cho biết, trong hợp đồng đều ghi bên A nhất trí chuyển nhượng cho bên B, mặc dù UBND xã biết theo quy định của Nhà nước mức giá chuyển nhượng là 64,8 triệu đồng/sào, nhân dân họ cũng rất muốn bán. "Doanh nghiệp họ đã mua bán rất sòng phẳng rồi, nếu người dân cảm thấy không hợp lý thì có thể khởi kiện, đưa ra tòa án, tư pháp giải quyết. Hợp đồng do UBND xã soạn thảo là hợp pháp, ký tên Chủ tịch đầy đủ cả”-ông Tân nói.
Khi PV đặt câu hỏi về việc trong Hợp đồng ghi rõ “chuyển nhượng đất theo Nghị quyết 03/NQ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương (thời hạn giao đất là 20 năm tính từ thời điểm giao đất là từ năm 1993), đến nay là đã hết hạn rồi, chính quyền xã có hướng giải quyết như thế nào?. Ông Tân trả lời: "Chúng tôi cũng biết là đã làm sai mẫu hợp đồng, nhưng để làm lại hợp đồng, nhân dân lại yêu cầu thêm tiền, doanh nghiệp họ thiệt thòi quá. Xã cũng biết do cán bộ chuyên môn sơ suất, yếu kém năng lực, chúng tôi đã kiểm điểm người soạn thảo. Ngay trong tháng 10 này, UBND xã sẽ đứng ra tổ chức đối thoại giữa nhân dân và doanh nghiệp để tìm ra tiếng nói chung, giải quyết sự việc một cách dứt điểm, cũng là để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Xã sẽ cố gắng cùng nhân dân đạt được lợi ích nhất định để bà con yên tâm sinh sống".
Việc người dân xã Ngọc Liên bỗng dưng bị mất đất đang gây bức xúc dư luận. Báo điện tử Dân sinh đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và UBND huyện Cẩm Giàng cần sớm vào cuộc giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi người dân nơi đây.