Chiến khu rừng Sác và giấc mơ thành phố biển
- Huyệt vị
- 17:21 - 30/04/2021
Chiến khu rừng Sác năm xưa
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu vực huyện Cần Giờ đã hình thành căn cứ địa quan trọng, có vị trí mang tính chiến lược vì nằm sát biển, gần Sài Gòn, có địa hình hiểm yếu với rừng rậm bạt ngàn, sông rạch chằng chịt.
Năm 1965, Mỹ đưa quân cùng các phương tiện chiến tranh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Sông Lòng Tàu trở thành đường thủy huyết mạch cho việc vận tải quân sự từ biển Đông về nội đô Sài Gòn. Trước tình hình đó, đánh giá địa bàn rừng Sác là nơi có tính chất chiến lược quan trọng, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công rừng Sác) với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí "sân sau" của địch, lực lượng đặc công rừng Sác được xây dựng với phương châm bám dân, bám đất, bám vào địa hình để xây dựng thế trận lòng dân; đồng thời thực hiện nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông để tiêu diệt nguồn cung ứng của địch cho Sài Gòn.
Một trong những trận nổi tiếng diễn ra khi Đoàn 10 mới thành lập là trận đánh tàu Victory tháng 8/1966. Mỹ đưa tàu Victory chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp, 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực, thực phẩm... cung cấp cho 1 sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 - 1967. Dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo, trên bộ biệt kích mật phục dày đặc. Để chiến đấu, các chiến sĩ đặc công rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sáng 23/8/1966, khi tàu Victory đi qua, 2 quả thủy lôi của chiến sĩ Đoàn 10 đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10.000 tấn cùng khí giới chìm xuống lòng sông.Với lối đánh bất ngờ, táo bạo và đầy sáng tạo, trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 10 rừng Sác đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000 - 13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng, thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch...
Tướng Mỹ W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải thừa nhận, những người lính Mỹ đã gặp phải "một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ".
Thành phố biển tương lai
Sau giải phóng, khu vực Cần Giờ là nơi hàng ngàn thanh niên xung phong đã cống hiến cả tuổi thanh xuân để dựng xây nên những nền móng cho sự phát triển. Tuy nhiên, những năm sau đó Cần Giờ vẫn chưa thể tạo nên cú bứt phá do những hạn chế về địa hình, hạ tầng và nhân lực. Một chiến lược phát triển rõ ràng, cụ thể và khả thi cũng chưa được vạch ra. Phải đến mới đây, khi chính quyền TP.HCM ban hành 4 quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1 dự án tỷ lệ 1/500 có phân khu A, B, C, D, E với tổng diện tích hơn 2.870 ha và tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ USD; quy mô dân số dự án 228.000 người, với 8,887 triệu lượt khách du lịch/năm; các sản phẩm của dự án chủ yếu các dòng sản phẩm đô thị (căn hộ, shop, biệt thự…) và một số dòng sản phẩm nghỉ dưỡng (condotel), nhằm biến Cần Giờ trở thành thành phố biển phát triển hài hòa giữa quy hoạch hiện đại kết hợp với môi trường thiên nhiên thân thiện.Ngay sau khi ý tưởng của lãnh đạo thành phố được đưa ra, đã có rất nhiều nhà quy hoạch đô thị đề xuất các giải pháp để phát triển. Trong đó, có những ý tưởng lớn như hình thành "chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công" tại vịnh Cần Giờ, tạo "mặt tiền" biển để đón cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TP.HCM trở thành một thành phố cửa ngõ kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.
Ngay từ lúc này, đã có nhiều cái nhìn đầy lạc quan về tương lai của Cần Giờ, khi so sánh khu vực này với những đô thị biển nổi tiếng thế giới như Thâm Quyến (Trung Quốc), Miami (Mỹ), Rotterdam (Hà Lan), Marseille (Pháp), Dubai (UAE), Singapore và Yokohama (Nhật Bản)...
Những đề xuất về một dự án lấn biển "khổng lồ" cũng đã được đưa ra, nhằm bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Khẳng định xoay trục ra biển và coi biển là "mặt tiền" của quốc gia là hoàn toàn đúng đắn, TS đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, đề xuất đưa Cần Giờ tiến thẳng lên "thành phố Cần Giờ" mà không lên quận, trở thành thành phố hiện đại mang chức năng du lịch - dịch vụ - cảng biển trong một chuỗi đô thị mang tầm vóc quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý, với gần 80% diện tích của Cần Giờ là rừng nên được coi là "lá phổi" của thành phố, góp phần điều hòa khí hậu, ngăn gió nóng, làm cho bầu không khí trở nên mát mẻ. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740ha, trong đó vùng lõi 4.721ha, vùng đệm 41.139ha và vùng chuyển tiếp 29.880ha. Năm 2000, UNESCO công nhận Cần Giờ là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới" và trở thành tài sản không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Do là vùng đặc biệt "nhạy cảm" nên UNESCO và các chuyên gia quốc tế khuyến cáo mức độ thận trọng đặc biệt khi phát triển khu này.
Hơn nữa, huyện Cần Giờ có chừng 70.000 dân, theo tính toán nếu sau khi các dự án đi vào hiện thực vùng đất này sẽ có dân số tĩnh và động gia tăng lên đến gần 10 triệu người (trong đó có khoảng 9 triệu khách du lịch). Với chừng ấy con người và hoạt động của họ trong sản xuất, sinh hoạt, vui chơi giải trí, lễ hội... chắc chắn sẽ gây tác động tới môi trường và sẽ làm tổn hại đến rừng ngập mặn cũng như ít nhiều hệ thực vật và động vật bị tác động.
Do vậy việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ "lớp áo giáp" cho TP.HCM là bài toán nan giải giữa tăng trưởng nóng và "thuận thiên".