THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:10

Hoa nở ở chiến khu An Phú Đông

Quá khứ bi hùng...

Nhiều năm trước, tôi chỉ biết đến An Phú Đông qua những lời ca chất chứa bi thương:

Bên hàng dừa cao dòng sông mờ soi bóng

Nhớ những chiến binh trầm thây trên máu hồng

Cây tàn, nhà hoang, đường xưa ngập xương máu

Muôn thây bấp bênh giữa dòng trôi đến đâu?...

Bài hát ra đời từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mãi gây ấn tượng đến bây giờ, cho thấy khung cảnh ác liệt của chiến tranh ở vùng giáp ranh đầy máu lửa.

Hoa nở ở chiến khu An Phú Đông  - Ảnh 1.

Bia An Phú Đông

Với vị trí chiến lược đặc biệt, ngày 25/12/1945, Ủy ban kháng chiến Gia Định quyết định thành lập Chiến khu An Phú Đông ngay sát trung tâm Sài Gòn. Ngày 3/3/1946 tại đây diễn ra trận đánh thắng Pháp đầu tiên của quân dân Sài Gòn - Gia Định.

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm suốt 30 năm ròng rã, địa bàn An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (hiện thuộc quận 12) trở thành vùng đất tự do bắn phá của địch, với biết bao bom cày, đạn xới. Người dân tuôn rơi bao nước mắt cho cảnh con xa mẹ, vợ xa chồng, anh em chia lìa… Nhưng dù bị địch càn quét nhiều lần, An Phú Đông vẫn xứng đáng là hậu phương vững chắc, là bàn đạp để quân và dân ta khống chế địch ngay tại "thủ phủ" Sài Gòn.

Trong suốt tháng năm dài thời chiến, với biết bao trận càn, đạn pháo tàn phá nhà cửa, vườn tược khiến An Phú Đông trở nên hoang tàn. Nhưng bất chấp hiểm nguy gian khổ, người dân hết chạy giặc lại trở về, gan góc bám trụ đào hầm nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho bộ đội từng cân gạo, viên thuốc...

Mỗi người dân, thôn ấp nơi đây đều là những chiến sĩ kiên cường, gan dạ ngăn cản bước tiến quân thù. Cụm từ "Chiến khu An Phú Đông" trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu gian khổ, oanh liệt ở ngoại vi Sài Gòn từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ngày nay, nhà bia tưởng niệm xã Anh hùng phường An Phú Đông có hai mặt bia bằng đá granit đen, khắc chữ nhũ vàng tên của 199 liệt sĩ hy sinh tại vùng đất chiến khu xưa, là nơi để lớp lớp con cháu đến thắp hương tưởng nhớ công lao hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất chiến khu xưa anh dũng...

Hoa nở ở chiến khu An Phú Đông  - Ảnh 2.

Cầu An Phú Đông – phối cảnh.

Hồi sinh vùng đất chết

Sau ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, nhân dân vùng chiến khu xưa hồ hởi bắt tay khai hoang phục hoá, xây dựng lại quê hương xứ sở. Những con đường làng rộn rã tiếng cười, những cánh đồng nhanh chóng được phủ xanh sắc lúa, những khu vườn bạt ngàn hoa lài tỏa hương thơm ngát…

Và rồi, cũng như những vùng đất ở ven TP.Hồ Chí Minh, An Phú Đông cũng bị cuốn vào vòng xoáy của đô thị hóa. Những ruộng lúa, vườn lài dần bị thu hẹp rồi… biến mất, nhường chỗ cho nhà cửa, phố phường. Nếu như những năm đầu thế kỷ 21, cảnh vật ở đây còn hoang sơ như vùng thôn quê cô tịch, thì những năm gần đây đã trở thành vùng đô thị sống động. Những người nông dân trước đây chỉ quen "chân lấm tay bùn" giờ trở thành những thị dân thực thụ, không chỉ giỏi lao động sản xuất mà còn giỏi tính toán, nhạy bén và năng động khi đón nhận những trào lưu, phương cách làm ăn mới lạ…

Ông Tám Sết (Nguyễn Văn Tám), một lão nông đã từng nặng nợ với vườn tược từ thuở trai tráng, là một ví dụ điển hình. Trước đây, vườn nhà ông Tám toàn trồng lài, bước chân tới gần nhà đã thấy hương lài thơm ngát. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng mai. Ông kể: "Đất ở đây hợp với 3 loại cây tỏa hương là lài, huệ và ngâu. Hồi ấy trồng lài và ngâu bán cho mấy cơ sở chuyên ướp trà, còn huệ thì "nhập" về chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Chợ Lớn. Thơm lắm, mà rồi sau đó chẳng hiểu vì sao các mối ít mua dần. Thấy nhu cầu mai tết của người thành phố tăng cao, dân trồng mai ở Bình Định hay miền Tây ăn nên làm ra, vậy là dân An Phú Đông cũng nghiên cứu kỹ thuật trồng, rồi hầu hết nhà vườn đều chuyển sang trồng mai ghép vô chậu, mai cây bán tết. Mặc dù danh tiếng so với vùng Thủ Đức chắc còn thua, nhưng dẫu sao nghề trồng mai cũng giúp dân ở đây sống ổn". Vườn nhà ông Tám Sết rộng chừng 2 ha, có khoảng 800 gốc mai, những cái tết gần đây bán thu bạc tỷ.

Hoa nở ở chiến khu An Phú Đông  - Ảnh 3.

Phát triển hạ tầng.

Không riêng gì ông Tám, mà hầu như tất cả 30ha trồng lài trước đây ở An Phú Đông giờ đều chuyển sang trồng mai. Thời "kinh tế thị trường", mọi người đều phải học cách thích ứng với nhu cầu thị trường, mặc dù trong bụng nhiều người vẫn tiếc nuối hương lài dịu ngọt, đã gắn bó với họ từ thời ấu thơ…

Nhịp cầu nối những ước mơ

Mặc dù chỉ cách quận Gò Vấp con sông Vàm Thuật rộng chừng hơn 200m, nhưng từ trước tới giờ, An Phú Đông vẫn bị coi là "vùng biệt lập", bởi chưa có cây cầu. Muốn qua sông thì phải đi phà, hoặc đi đường vòng xa 10km. Thế nhưng vào đầu năm nay, thành phố đã khởi công xây dựng cầu An Phú Đông, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9.

Dù chỉ là cây cầu sắt và chỉ tồn tại một thời gian trước khi xây cầu bê tông vĩnh cửu, nhưng với người dân An Phú Đông chừng đó cũng đủ để họ vui mừng. Bởi chặng đường qua khu vực nội thành không còn chịu cảnh "đò giang cách trở". Điều đó đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa đô thị với vùng ven được thu hẹp, cơ hội tiếp cận với "ánh sáng văn minh" sẽ ngày càng rộng mở.

Có thể chỉ vài năm nữa, sự an nhiên, thanh thản mang hơi hướm đồng quê của An Phú Đông sẽ không còn, nhường chỗ cho nhộn nhịp phố thị. Điều này hẳn khiến không ít người tiếc nuối. Nhưng cuộc sống là thế, để phát triển nhiều khi cần phải đánh đổi. Chỉ mong những dấu ấn lịch sử của một thời oanh liệt vẫn còn mãi lưu lại trong ký ức của người An Phú Đông, trở thành điểm tựa tinh thần để những con người nơi đây có thể vững bước hướng tới tương lai với niềm tự hào của vùng đất từng là chiến khu máu lửa…

Hoa nở ở chiến khu An Phú Đông  - Ảnh 4.

Làng quê An Phú Đông.

 

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh