Chỉ tiêu tăng năng suất lao động đạt 5,9%: Điểm sáng nổi bật
- Bài thuốc hay
- 05:35 - 23/10/2019
Chúng ta đã vượt khó, có mức tăng trưởng ấn tượng
Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020…
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng 6,8% và là năm thứ 2 liên tiếp tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo nhiều đại biểu, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn khó lường, kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh) nhận định: "Năm 2019, Mỹ dự kiến chỉ tăng GDP 2%, thấp hơn so với mong muốn là 3%. Nhật Bản tăng trưởng 0,6%; EU tăng 1%; Ấn Độ nhiều năm liền tăng trên 7% nhưng năm 2019 dự kiến tăng 5%, Singapore có thể tăng trưởng 0%… Như vậy, việc nước ta tăng trưởng đạt 6,8% và có khả năng đạt hơn là cố gắng lớn, trong đó động lực chính vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo".
Đồng tình với nhiều nhận định của các đại biểu khác, Phó Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta đã vượt khó, có mức tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, lạm phát được duy trì ở mức 2,5% trong khi giá điện và nhiều giá dịch vụ điều chỉnh…"
Năng suất lao động qua 4 năm đạt rất cao là 5,8%
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ. Năm 2019 là năm thứ 2 Chính phủ chỉ đạo và có sự vào cuộc của Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan, nên kinh tế đã đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu sẽ đạt.
Đặc biệt, 3 chỉ tiêu tổng hợp: tốc độ tăng trưởng đạt 6,8%; tăng năng suất lao động đạt 5,9%; chỉ số CPI dự kiến từ 2,7 - 3% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Trong 3 chỉ tiêu vừa nêu, ông Lợi nhấn mạnh thêm về chỉ tiêu tăng năng suất lao động, theo ông đây là một điểm sáng nổi bật khi đạt 5,9%. "Như vậy bình quân cả 4 năm, năng suất lao động đạt được rất cao là 5,8%. Có thể nói đây là chỉ tiêu lạc quan, khẳng định nền kinh tế của đất nước", ông Lợi đánh giá cao. Cũng theo vị đại biểu tỉnh Thanh Hóa, khi tiếp xúc cử tri cho thấy, bức tranh kinh tế đất nước có sự chuyển biến rõ nét; đồng bào dân tộc, vùng núi, vùng sâu, xa, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi đáng kể.
"Thông qua 2 chỉ tiêu là đảm bảo sức khoẻ người dân miền núi và an sinh xã hội, người dân đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, niềm tin trong nhân dân ngày càng được nâng lên", ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng: Cơ hội để cải cách tiền lương
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất năm 2020 sẽ tăng mức lương cơ sở thêm 7,33% cho khu vực công (từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng) theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, đây sẽ là cơ hội để thực hiện cải cải cách tiền lương từ năm 2021.
Tuy nhiên, ông Lợi lưu ý, cần phải tính toán kỹ lưỡng về nguồn ngân sách, sẽ lấy tiền từ đâu và chi bộ máy thế nào. Đáng chú ý trong điều kiện bộ máy các cơ quan vẫn còn cồng kềnh; việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập chậm.
"Ngoài những đề xuất của Chính phủ là giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách thì Chính phủ cần lưu ý chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 18 về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng và Nghị quyết 19 về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, phải dùng tiền tinh giảm biên chế, không dùng quỹ lương của Nhà nước để bổ sung vào nguồn cải cách chính sách tiền lương," ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Lợi đưa ra ví dụ cụ thể là ngành y tế trong 2 năm vừa qua đã giảm 25.000 biên chế, tiết giảm ngân sách Trung ương chi trả là hơn 2.100 tỷ đồng và từ nguồn kinh phí đó đã tăng chính sách cải cách tiền lương năm 2020. "Nếu chúng ta thực hiện được nâng mức lương cơ sở cho khu vực hành chính sự nghiệp vào năm 2020 thì sẽ có cơ hội cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết 27", ông Lợi nhấn mạnh.
"Vấn đề quan trọng hiện nay theo báo cáo của Chính phủ là tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức bộ máy chính trị theo báo cáo của Bộ Nội vụ là rất chậm và hiệu quả chưa cao. Điều đó tác động rất lớn đến việc cải cách chính sách tiền lương và đặc biệt là năm 2021 sẽ tiến hành thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nếu bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi và nếu bộ máy cứ phình ra thì câu chuyên lạm phát về tiền lương sẽ xảy ra," ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.
Theo đó, ông Lợi khẳng định, cải cách chính sách tiền lương tốt thì Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị công lập, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mới giảm chi thường xuyên, có nguồn để cải cách chính sách tiền lương.
Cũng như nhiều đại biểu khác, đánh giá cao báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ thì phải phát triển kinh tế khu vực tư nhân, cùng với kinh tế nhà nước, tuy nhiên hiện nay kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn.
"Vừa qua chúng ta thấy kinh tế tư nhân có phát triển nhưng chỉ phát triển ở định hướng ngắn hạn, thiếu đi các doanh nghiệp lớn đầu tư dài hạn, thiếu những tập đoàn như Viettel, Samsung… Muốn vậy, cần phải tiếp sức cho khu vực này", ông Ngân phân tích và chỉ ra một trong những rào cản đang cần phải có giải pháp đột phá là vấn đề thể chế.
"Nhiều doanh nghiệp chưa dám đầu tư dài hạn vì thấy rủi ro về hệ thống luật pháp, vì chúng ta cứ sửa đổi liên tục. Để khắc phục, tôi cho rằng Quốc hội cần tăng thêm đại biểu chuyên trách để khâu làm luật có chiều sâu, ổn định", ông Ngân nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ùn tắc đô thị lại là vấn đề được đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) quan tâm. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, hiện trạng này diễn ra đã nhiều năm nay nhưng các giải pháp được đưa ra chưa có triển vọng. Bên cạnh đó, an ninh môi trường, nước sạch, không khí và rác thải ở các đô thị cũng đang trở thành những vấn đề nóng, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.