Công khai đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết: Giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng
- Bài thuốc hay
- 23:39 - 22/05/2019
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017.
An sinh xã hội nhiều điểm sáng
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018, các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2018, bức tranh kinh tế có sự thay đổi tích cực, với 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt. Bên cạnh các kết quả về lĩnh vực kinh tế, thì an sinh xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng.
Để minh chứng cho kết quả này về mặt an sinh xã hội, đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng) nêu: Chỉ tiêu giảm nghèo vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%. Năm 2018, năm thứ 2 liên tiếp lập kỷ lục về đưa xuất khẩu lao động đạt trên 140.000 người.
“Cùng với đó chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển từ khu vực có giá trị gia tăng thấp, sang khu vực có giá trị gia tăng cao. Đây là chuyển dịch cơ cấu lao động hết sức tích cực và mang tính bền vững”, ông Bình nhận định.
Những kết quả đạt được về an sinh xã hội, theo ông Bình là rất tích cực. “Đối với người nghèo, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội đã đạt được kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau, thực sự là một động lực, tạo ra niềm tin cho người dân trong năm qua”, vị đại biểu đoàn Hải Phòng nhấn mạnh thêm.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cũng đánh giá cao với 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt, song ông Lợi băn khoăn về chỉ tiêu năng suất lao động. “Mấy năm trước năng suất lao động 3,5% nhưng đến năm 2018 nhảy nhanh lên 6% (năm 2017 xấp xỉ 5%). Vì sao có điều này, theo ông Lợi lý giải, “vì hiện nay, bất hợp lý nằm ở tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động”.
Đánh giá về cơ cấu lao động 4 tháng đầu năm 2019, ông Lợi nhấn mạnh, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Đến hết tháng 4/2019 cơ cấu lao động nông nghiệp còn 35%, (tính đến cuối năm 2018 con số báo cáo còn 37%)- đây là con số biết nói, cho thấy sự dịch chuyển bền vững.
Ông Đỗ Văn Bình (đại biểu đoàn Hải Phòng) đánh giá cao những kết quả đạt được về an sinh xã hội năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019
Liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động khi doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Lợi cho biết, phía Bộ LĐ-TB&XH đang trình phương án để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên vị đại biểu đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh, Bộ phải yêu cầu BHXH Việt Nam cung cấp tất cả các doanh nghiệp nợ, trốn đóng và số người lao động bị nợ đọng BHXH, trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chuyên đề, “nếu không người lao động sẽ rất khó khăn”.
Công khai đóng BHXH cho người lao động biết
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cách đây hơn 1 tháng, ông đã có cuộc làm việc với tập thể lãnh đạo BHXH Việt Nam, và đã đề nghị BHXH Việt Nam cung cấp con số nợ chính thức và số người nợ BHXH, hoặc trốn đóng BHXH do các doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn gây ra. Thế nhưng để có số liệu cụ thể, phía BHXH Việt Nam thừa nhận là khó, không thể làm được.
Theo Khoản 10 Điểm 7 Luật BHXH năm 2014 quy định, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động.
“Nhưng hiện chúng ta gặp phải 3 cái khó” - Bộ trưởng Dung nói, ông đã có báo cáo Chính phủ, và thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội chúng ta không xử lý được vấn đề này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo ước tính, hiện số nợ khoảng 3.000 tỷ, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và vốn liên kết. Số này rơi vào 2 dạng doanh nghiệp: phá sản, và bỏ trốn. “Nợ thuế thì rõ, nhưng nợ BHXH thì tính thế nào”, tư lệnh ngành băn khoăn.
Thảo luận tại tổ sáng 22/5
Theo ông, “vướng” hai chuyện:
Thứ nhất, Luật BHXH không cho phép lấy ngân sách từ kết dư BHXH để chi cho việc này. Thứ 2 Luật Ngân sách Nhà nước cũng ko cho phép lấy ngân sách nhà nước bù cái này. Như vậy, cả hai luật đều quy định không được. Mà theo thông lệ quốc tế cũng không có nước nào làm thế cả, vì doanh nghiệp phá sản thì thực hiện theo luật phá sản. Về điều này, Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee cũng khẳng định không có quốc gia nào làm thế được. Và trên thực tiễn, nếu giải quyết được một doanh nghiệp thì sau này các doanh nghiệp khác phát sinh thế nào, xử lý thế nào. Vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, trốn đóng là chuyện thường ngày trong cơ chế thị trường, vì thế phải quản lý tốt.
Thứ 2, do không có số liệu chính thức: con số nợ chính thức, và số người nợ BHXH, hoặc trốn đóng BHXH do các doanh nghiệp này gây ra, thì rất khó để làm được. Để làm được điều này, đòi hỏi phải con số cụ thể (như: Số BHXH bao nhiêu, số nợ bao nhiêu, nợ bao nhiêu tháng, nợ đến tháng nào…). Nhưng tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam, phía đơn vị này cho biết, các con số này chỉ “ang áng”, chỉ “khoảng” là bao nhiêu.
“Thế thì làm sao được. Đã là tiền không thể “khoảng” hay “ang áng” được, mà phải là con số chính thức”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu khó khăn.
Do đó, Bộ trưởng cho biết, lúc đầu, tính toán làm Nghị định của Chính phủ xử lý vấn đề nợ đọng, trốn đóng BHXH, nhưng sau thẩm định về mặt quy phạm pháp luật thì thấy không đảm bảo, và không cho phép. “Tôi đang giao lại cho BHXH Việt Nam bằng mọi cách phải tính toán bằng được chuyện này”, ông nhấn mạnh.
Để khắc phục việc nợ, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, vừa rồi, Chính phủ yêu cầu: Trả sổ bảo hiểm cho từng người lao động; Cập nhật phần mềm thu nộp BHXH của từng cá nhân thông qua điện thoại. Người lao động có quyền cập nhật, theo dõi từng tháng, doanh nghiệp đã đóng BHXH cho người lao động chưa, và cập nhật ngay qua điện thoại. Nhưng từ trước nay không làm được vấn đề này nên doanh nghiệp có khi hàng năm không đóng, người lao động vì thế không biết.
Muốn hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm, phải làm tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin cho người lao động biết. Do đó, Bộ trưởng cho biết, hiện đang xử lý theo hướng tập trung cao cho việc ứng dụng CNTT. Công khai, minh bạch hóa đóng BHXH cho người lao động biết. “Đây là giải pháp cao nhất để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về nợ, trốn đóng BHXH, Chính phủ đã có báo cáo ĐBQH, còn cách xử lý thế nào tiếp, thì quan trọng nhất phải minh bạch được số liệu. “Không minh bạch được, không công khai được số liệu chính thức thì không có cách nào khác xử lý được. Hiện, chúng tôi đang giao cho BHXH Việt Nam thực thi vấn đề này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.