THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:54

Chi thí điểm các mô hình cai nghiện tối đa 50 triệu đồng/mô hình/năm

Hỗ trợ tiền ăn 40 nghìn đồng/ngày cho người sống trong nhà tạm lánh

Dự thảo thông tư quy định mức chi thí điểm các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới; mô hình cai nghiện phục hồi phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, miền sẽ căn cứ vào khung kỹ thuật của Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH (hoặc Sở Tài chính theo phân cấp của địa phương) tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung và mức chi cụ thể của từng mô hình; tối đa 50 triệu đồng/mô hình/năm.

 

Học viên học nghề đan lưới tại Trung tâm (Ảnh minh họa)

 

Dự thảo thông tư cũng quy định mức chi hỗ trợ xây dựng, vận hành các mô hình chuyển đổi cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; cơ sở đa chức năng. Trường hợp cơ sở cai nghiện bắt buộc chuyển đổi hoàn toàn sang tự nguyện: hỗ trợ trang thiết bị ban đầu cho cơ sở mức tối đa là 3.000 triệu đồng/cơ sở.

Chi hỗ trợ hoạt động phòng, chống mại dâm cũng được Dự thảo Thông tư quy định chi tiết. Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại Trung tâm công tác xã hội tối đa 350 triệu đồng/mô hình/năm để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cung cấp dịch vụ, hỗ trợ chi phí hoạt động của mô hình trong thời gian thí điểm. 

Về mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới: tối đa 250 triệu đồng/mô hình/năm để hỗ trợ chi phí đi lại hàng tháng cho thành viên ban chủ nhiệm, tiếp cận viên; chi phí thuê địa điểm sinh hoạt định kỳ và các khoản chi cần thiết khác.

Cùng với đó, nhà tạm lánh cũng là một dự án do Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu xây dựng, mục đích là để tiếp nhận, chăm sóc những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Căn cứ vào mô hình ngôi nhà tạm lánh do Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn, tùy vào ngân sách địa phương mà các tỉnh xây mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị làm ngôi nhà tạm lánh cho những người yếu thế.

Trong dự thảo thông tư quy định cụ thể mức chi cho người sống trong nhà tạm lánh và cán bộ làm việc tại đây. Cụ thể, mức chi lập hồ sơ khi tiếp nhận một người vào nhà tạm lánh là 45 nghìn đồng; hỗ trợ tiền ăn là 40 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ cho cán bộ tư vấn tâm lý là 15 nghìn đồng/người được tư vấn, tối đa 600 nghìn đồng/cán bộ/tháng; hỗ trợ mua sắm đồ dùng cá nhân cho người yếu thế là 700 nghìn đồng/người. 

Ngoài ra, còn hỗ trợ mua tài liệu hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc đối tượng; chi phí khám, chữa bệnh; chi phí thuê xe đưa người yếu thế về nhà hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội.

Chi hỗ trợ hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em

Dự thảo thông tư cũng quy định mức chi hỗ trợ hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em; thiết lập mạng lưới kết nối, tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Theo đó, trẻ em được tiếp nhận tại cơ sở bảo trợ xã hội được hỗ trợ lập hồ sơ 45 nghìn đồng/hồ sơ, hỗ trợ tiền ăn theo mức chi của địa phương đối với các đối tượng nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội; chi mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân là 700 nghìn đồng/người, hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn 150 nghìn/buổi, tư vấn lưu động tại cộng đồng là 200 nghìn đồng/người.

Bên cạnh đó, còn hỗ trợ đưa trẻ em lên tuyến trên đối với trường hợp phải can thiệp, trợ giúp vượt khả năng của cộng đồng, cơ sở trợ giúp trẻ em hoặc đưa trẻ em về gia đình. Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em trong thời gian trên đường là 70.000 đồng/em/ngày, không quá 3 ngày. Hỗ trợ tiền tàu xe cho trẻ em hoặc chi phí thuê mướn phương tiện vận chuyển. Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.

Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê.

Dự thảo nêu rõ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2020 gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

Ngân sách trung ương: Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình; bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các Dự án của Chương trình.

Ngân sách địa phương: Đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định tại Quyết định số 565/QĐ-TTg; chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả các Dự án và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 565/QĐ-TTg...

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh