Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong tổng số hơn 6.000 cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi tại các cơ sở cai nghiện, thì trình độ đại học và trên đại học chiếm 29%, cán bộ có trình độ cao đẳng 11%, cán bộ có trình độ trung cấp chiếm 47,8%. Đây là một minh chứng rõ nhất về chất lượng nguồn nhân lực trong công tác cai nghiện hiện nay.
Cán bộ làm công tác cai nghiện vẫn còn thiếu và yếu (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm kiểm tra phác đồ điều trị một cơ sở cai nghiện)
Hiện nay, tại hầu hết các cơ sở cai nghiện, việc thực hiện quy trình cai nghiện được đảm bảo. Tại cộng đồng, nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác quản lý người cai nghiện, hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm... Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện phục hồi không ngừng phát triển. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện nhiều loại ma túy mới, công tác đào tạo nguồn nhân lực cai nghiện phục hồi đang đứng trước khó khăn và thách thức mới. Đặc biệt là các tư vấn viên, trang bị cho các cán bộ điều trị nghiện những kiến thức và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ người đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm cũng như kết nối các dịch vụ chăm sóc sau điều trị.
Một thực tế hiện nay, đó là cả nước chưa có trường hoặc cơ sở chuyên đào tạo về lĩnh vực cai nghiện phục hồi, do vậy, công tác nâng cao năng lực cho cán bộ chủ yếu thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày, theo chuyên đề, không cơ bản. Chưa có tiêu chuẩn chuyên môn đối với cán bộ cai nghiện. Do vậy, không tránh khỏi việc chắp vá về kiến thức đối với nhiều cán bộ, chưa kể việc phân công làm việc cho tại các cơ sở cai nghiện nhiều khi không đúng với chuyên môn.
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác cai nghiện trong tình hình mới là rất cần thiết
Bên cạnh đó, công tác tâm lý giáo dục cai nghiện hết sức quan trọng, nhưng số cán bộ này tại cơ sở cai nghiện chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 10-15% tổng số cán bộ. Nhiều người trong số này không phải chuyên ngành đào tạo, chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nào nên có tình trạng non yếu về nghiệp vụ, không làm hết công việc được giao.
Cán bộ cai nghiện tại cộng đồng, gia đình cấp huyện, cấp xã nhìn chung non yếu về chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện vì chủ yếu không qua đào tạo, bỗi dưỡng. Do vậy, cộng với các khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí cai nghiện nên các địa phương phản ánh cai nghiện tại cộng đồng và gia đình không hiệu quả. Hiện chỉ còn dưới 10 tỉnh có tổ chức cai nghiện tại cộng đồng. Điều này cũng gây khó khăn cho cả cai nghiện bắt buộc (cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu trước đó phải giáo dục tại xã phường, thị trấn. Mà giáo dục tại xã, phường thị trấn đối với người nghiện là cai nghiện tại cộng đồng).
Tại cộng đồng, mỗi phòng LĐ-TB&XH cấp huyện thường bố trí một cán bộ để chỉ đạo, theo dõi công tác cai nghiện ở xã phường, thị trấn... Tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình do một Phó chủ tịch UBND cấp xã làm tổ trưởng, thành viên là các thành phần như công an, y tế, cán bộ LĐ-TB&XH, các đoàn thể. Hầu hết họ chỉ được tập huấn ngắn, không có chuyên môn sâu về cai nghiện, ngoại trừ cán bộ y tế xã được qua các lợp tập huấn về cắn cơn, giải độc.
Theo ông Lê Đức Hiền, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ là đổi mới hình thức, nội dung, là đào tạo toàn diện, cơ bản cho mọi loại cán bộ làm việc thực hiện theo quy trình cai nghiện, trong đó tập trung vào một số khâu then chốt. Do đó, Các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cần được quán triệt việc xây dựng đội ngũ cán bộ cai nghiện có chuyên môn nghiệp vụ là hết sức quan trọng, quyết định đến thành công hay thất bại của nhiệm vụ này.
Tại các cơ sơ cai nghiện cần rà soát, bố trí lại cán bộ đội ngũ cán bộ. Những cơ sở còn thiếu cán bộ theo quy định cần bổ sung kịp thời để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Cần chú trọng bổ sung cán bộ có chuyên môn về tâm lý, xã hội học, y tế-vốn đang yếu và thiếu ở các cơ sở hiện nay. Đối với các cơ sở cai nghiện khác, cần sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tăng cường cho công tác tư vấn quản lý giáo dục, giảm cán bộ ở các bộ phận khác mang tính hành chính.
Học viên cai nghiện trong một buổi học văn hóa
Theo ông Lê Đức Hiền, đối với nhiều nước trên thế giới, can thiệp dự phòng là một chương trình lớn và được thực hiện từ rất lâu. Chương trình này áp dụng xã hội nói chung và đặc biệt cho những người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy, người mới sử dụng, người lạm dụng mà chưa phụ thuộc vào chất ma túy. Với Việt Nam, lâu nay thực hiện chương trình phòng ngừa, chủ yếu là truyền thông và chưa có chương trình can thiệp dự phòng. Do đó, thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải tiến hành ngay việc xây dựng và đào tạo cán bộ về chương trình can thiệp dự phòng.