Chế độ ưu đãi người có công được triển khai sâu rộng ở cơ sở
- Người có công
- 18:04 - 27/07/2021
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ là "ăn quả phải nhớ người trồng cây", phải chăm lo đền ơn, đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh để giữ gìn non sông đất nước". Thấm nhuần lời dạy của người trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời.
Mới đây, ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng. Trước ngày kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2021), ngày 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.
Theo đó, các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được nâng cao hơn so với trước. Nghị định gồm 4 chương, 16 điều và 6 phụ lục quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Nghị định nêu rõ mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.
Nghị định quy định: Chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi: mức bằng 1,5 lần mức chuẩn. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng (gấp 3 lần mức chuẩn); Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế: từ 120.000 đồng/thâm niên thành 0,3 lần mức chuẩn/thâm niên, tương ứng 487.200 đồng/thâm niên;
Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến: từ 1.000.000 đồng thành 1,5 lần mức chuẩn, tương ứng 2.436.000 đồng; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi: từ 1.000.000 đồng thành 1,5 lần mức chuẩn, tương ứng 2.436.000 đồng.
Trợ cấp một lần đối với thân nhân người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, thân nhân người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/ 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi: điều chỉnh từ mức 10.000.000 đồng/ 25.000.000 đồng/ 50.000.000 đồng tương ứng thành các mức 6,2 lần mức chuẩn/ 15,5 lần mức chuẩn/ 31 lần mức chuẩn), tương ứng 10.068.800 đồng/25.172.000 đồng/50.344.000 đồng. Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ tăng từ 500.000 đồng/01 năm lên 1.400.000 đồng/01 năm, thực hiện kể từ 01/01/2022.
Các chính sách ưu đãi dựa trên mức chuẩn
Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.
Trong đó, về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Nghị định quy định: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/1 người/1 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/ người/lần.
Nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.
Về hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học, Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: 0,2 lần mức chuẩn/1 đối tượng/ năm.
Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật: 0,4 lần mức chuẩn/1 đối tượng/ năm.
Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: 0,4 lần mức chuẩn/1 đối tượng/ năm.Về hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, Nghị định quy định hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ. Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/1 km/1 người.
Bằng cả tấm lòng
Nhìn lại công tác người có công, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước.
"Chế độ ưu đãi người có công được triển khai sâu rộng ở cơ sở, là một trong những chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt nhất hiện nay. Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành kinh phí hàng năm sẽ tăng thêm khoảng 800 tỷ đồng để điều chỉnh bổ sung khoảng 10 chính sách mới trong Nghị định. Đây là một chính sách lớn, đột phá và có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng" – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Giai đoạn 2012 - 2019, mức trợ cấp đã tăng lên khoảng 40%, năm 2018 là 1.515 nghìn đồng và năm 2019 là 1.624 nghìn đồng.
Ngoài các chính sách của Đảng, Nhà nước, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Giai đoạn 2016-2020, Quỹ đền đáp nghĩa ở các địa phương vận được được gần 5.600 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Trung ương vận động được 16,8 tỷ đồng; cả nước đã trao 61.650 sổ tiết kiệm với 103,5 tỷ đồng; xây dựng mới từ vận động các nguồn xã hội 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa 24.650 nhà tình nghĩa trị giá trên 2.200 tỷ đồng. Nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng mới 400.000 hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 10.654 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc thương binh nặng được chăm lo đảm bảo; công tác chăm sóc nâng cấp bia mộ, nơi thờ tự liệt sĩ được quan tâm đầu tư; các cơ sở dữ liệu như: Cổng thông tin điện tử bia mộ liệt sĩ, Ngân hàng gen được xây dựng và phát huy hiệu quả…
Đặc biệt, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng tạo đột phá trong 5 năm qua. Đến nay, chúng ta đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã xem xét, kết luận trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận 2.500 liệt sĩ, trên 3.000 thương binh, nhiều trường hợp đã hi sinh cách đây hơn 100 năm.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công…
Với những chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước và tri ân của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng đã góp phần xoa dịu những nỗi đau sau chiến tranh cũng như nối dài đạo lý "Đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.