THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:49

“Ché” báu vật thiêng trong đời sống người Ê đê

Người Ê đê có vốn văn hóa truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển của nền văn minh nương rẫy, trong đời sống tâm linh, theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, nên có nhiều nghi lễ cúng liên quan đến nông nghiệp. Trong quá trình thực hành các lễ nghi, một hiện vật không thể thiếu đó là những chiếc vò được làm bằng các loại gốm, gọi là ché. Ché dùng để ủ rượu, ché đựng rượu để cúng thần linh.

Ché có vai trò quan trọng trong các lễ cúng của người Ê đê

Ché có vai trò quan trọng trong các lễ cúng của người Ê đê

Cũng như các cộng đồng bản địa Tây Nguyên khác, dù không làm ra ché hay (chóe) nhưng nó lại có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Ê đê. Mỗi cộng đồng dân tộc có cách gọi tên khác nhau, người Ê đê gọi ché là Cheh. Ché có tai hình rùa được người Ê đê gọi là Tang krua - nghĩa là rùa và có tai hình đầu khỉ gọi là Ako kra - nghĩa là khỉ, ché “mẹ bồng con” người Ê ₫ê gọi là “yăng mă con”. Những chiếc ché của người Ê đê hay của cộng đồng bản địa Tây Nguyên là sản phẩm được trao đổi, mua bán qua quá trình giao thương với các cộng đồng cư dân khu vực khác… Điều đặc biệt chính là sự sáng tạo của người Ê đê trong tính năng sử dụng và ý nghĩa tâm linh dành cho ché, tạo nên những lớp giá trị văn hóa mới, vô cùng đặc sắc.

Đây còn là một trong những đồ vật đầu tiên dâng lên cúng Yang (Trời), tập tục của cư dân Tây Nguyên, sau khi mua ché về hoặc trước khi bán ché đi đều làm lễ cúng. Khi đưa một chiếc ché quý về nhà, họ cũng phải tổ chức cúng nhập gia cho ché. Lễ cúng mang ý nghĩa gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý, với mong muốn nhập gia cho ché, để từ đây ché chính thức được coi như một thành viên trong gia đình, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Cũng như vậy, khi không còn sử dụng mà bán hay cho ché đi, họ làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt, khi không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh, chủ ché.

Ché được trưng bày tại TP. Buôn Ma Thuột

Ché được trưng bày tại TP. Buôn Ma Thuột

Trong những dịp thực hành các nghi lễ cúng thần linh, hay những dịp lễ hội, nhiều ché rượu cần được bày biện ra là thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà, của dòng tộc hay buôn làng. Có lẽ bởi vậy, đối với nhiều người Ê đê, ché không đơn thuần chỉ là vật dụng, mà còn mang tính thiêng, là phương tiện giao lưu, gắn kết cộng đồng, dòng tộc.

Qua các lễ nghi, với sự hiện diện của ché, đồng bào gửi gắm lòng biết ơn cũng như khát vọng được các yang che chở, phù hộ. Với các lễ nghi nông nghiệp, đồng bào cầu mong có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi, nhiều thóc, bắp, trâu, bò, heo, gà. Với những nghi lễ vòng đời, ché mang những gửi gắm về mong ước có cuộc sống khỏe mạnh, bình an, không có ai đói nghèo, bệnh tật.

Thuở xa xưa, khi khả năng chế ngự thiên tai, trình độ khoa học kỹ thuật của con người còn thấp, giao thông khó khăn, phương tiện sản xuất, phương thức canh tác lạc hậu, đây chính là cội nguồn sức mạnh để người Ê đê lạc quan, tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào tương lai. Những ước mong thuần hậu của chủ thể văn hóa, cư dân nông nghiệp nương rẫy vùng rừng núi Tây Nguyên xa xưa được gửi gắm vào những chiếc ché để kết nối cộng đồng, cùng nhau chăm lo sản xuất, cùng nhau giữ gìn nguồn lợi cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất đai...

Người Ê đê phân biệt ché thành 4 loại: ché Tuk, ché Tang, ché Ba, ché Bô. Theo quan nhiệm của đồng bào, những chiếc ché càng cổ thì càng quý, đồng thời là chiếc ché thiêng. Ché được cho là có siêu nhiên nào đó ẩn tàng nên hóa thiêng. Ché đựng rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người…

Ché trong đời sống văn hóa của người Ê ₫ê từ xa xưa, có lẽ gắn với sự ra đời của rượu cần - đồ uống phổ biến và là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào. Đây là loại đồ uống quý, được dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những lễ hội quan trọng và dành đãi khách. Rượu ngon và quý, phải được ủ trong ché quý, một loại tài sản quý. Người ta sắm ché chẳng những để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, thông gia. Trong mỗi ngôi nhà dài với kiểu kiến trúc đặc trưng của người Ê đê bên cạnh bếp lửa, nồi đồng, cây nêu,các loại cồng chiêng thì một vật dụng trang trí nổi bật và không thế thiếu là những ché rượu cần.

Ché trong lễ hội của người Ê đê

Ché trong lễ hội của người Ê đê

Ông Y Bhiâo Mlô ở Thị Xã Buôn Hồ cho biết, đây là những chiếc ché của gia đình còn lưu giữ và mua lại được từ người dân ở các buôn, trước đây ché quý còn khá nhiều, tuy nhiên hiện nay, với sự mai một của các lễ nghi truyền thống, tình trạng buôn bán cổ vật ở một số nơi, những chiếc ché quý ngày càng trở nên hiếm hơn, nhiều khi muốn mua cũng không có, nhà tôi thì cũng được 4

 

- 5 loại ché với khoảng hơn 20 chiếc, trong đó có nhiều cái mới mua lại. Những ché quý, ché cổ như ché Tang thì mới mua sắm lại đây thôi. Còn những ché ngày xưa từ thời cha mẹ để lại thì không may bị cháy hết từ hồi năm 1973. Bây giờ hiếm lắm, có muốn mua cũng không có mà mua đâu. Như giờ mà thấy ai bán thì chúng tôi sẵn sàng mua về liền bởi vì cần lắm, muốn gìn giữ lại tài sản quý của dân tộc mình, rồi còn sử dụng trong các nghi lễ cúng nữa, không thể bỏ những lễ tục, lễ cúng này được, với lại còn phải gìn giữ cho con cháu sau này để chúng nó còn có cái mà tiếp tục ủ rượu cần, sử dụng như bây giờ chúng tôi đang dùng.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh