Truyền thuyết về ngọn thác ở Đắk Lắk
- Văn hóa - Giải trí
- 13:20 - 09/10/2021
Nơi đây vùng đất anh hùng trong thời kỳ đổi mới, nhưng mang trong mình nét đẹp văn hóa đa dân tộc đặc sắc. Những truyền thuyết hấp dẫn xung quanh cảnh quan thiên nhiên còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ, liên quan đến câu chuyện đẹp về nghĩa tình của đồng bào. Giữa thời hiện đại, vẫn cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống tạo nên một điểm du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái hấp dẫn.
Con đường nhựa dẫn vào buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, những ngôi nhà được xây kiên cố của người M’Nông yên ắng trong ánh nắng chiều, phóng viên được nghe bà H’Hôm Byă, chia sẽ vui mừng trước sự đổi mới của buôn mình đang sinh sống. Buôn H’Ngô rất vui, hạnh phúc như hôm nay, có cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, trẻ con được đến trường, bà con tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn. “Những vườn cà phê, ruộng lúa xanh mướt do uống dòng nước nghĩa tình từ Thác H’Ngô. Dòng thác cung cấp nguồn nước cho người dân trong buôn sinh hoạt và phục vụ sản xuất, dù có hạn hán đến đâu thì dòng thác chưa từng cạn nước”, bà H’Hôm chia sẻ.
Cuộc sống yên bình với những mùa gieo gặt, trồng khoai sắn trên nương rẫy, săn bắt, đánh bắt tôm, cá ở dưới suối. Cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Chính từ sự che chở của thiên nhiên, để rồi văn hóa M’nông được khẳng định từ đó, đi theo dòng thác buôn H’Ngô, nghe già Ama Săng kể về những truyền thuyết gắn liền với ngọn thác biết báo tin... Thác buôn H’Ngô còn có tên gọi khác là: Drai Yang Lơng (Drai là thác, Yang Lơng là thần đá lớn) vì tại thác có một tảng đá rất to nằm giữa dòng thác, nhân dân các buôn lân cận tôn sùng và gọi tên là Yang Lơng - vị thần che chở và bảo vệ sự sống của buôn làng.
Chuyện kể rằng, quanh vùng thác buôn H’Ngô đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, nhiều sản vật tự nhiên. Bà con chỉ việc lên rừng lấy thức ăn mà không cần khai hoang, trồng trỉa như các buôn khác.
Ngày xưa, ở Buôn H’Ngô có một cô gái xinh đẹp, siêng năng, chăm chỉ tên là H’Srong. Do tính tình hiền lành, nết na nên nàng được mọi người trong buôn quý trọng. Một hôm H’Srong mang gùi lên khu vực rừng núi phía Tây lấy măng và hái rau rừng. Với bản tính nhanh nhẹn, tháo vát, chẳng mấy chốc nàng đã lấy được đầy gùi măng và rau rừng. Xong việc nàng xuống núi, trên đường trở về buôn, nàng đi qua con suối Ea Drui nghỉ ngơi, tắm rửa, gội đầu. Đang ngâm mình bên dòng nước mát, bỗng nhiên trên núi có dòng nước lớn đổ xuống và cuốn trôi nàng H’Srong đi mất. Mãi đến tối, cha mẹ không thấy nàng về như thường lệ nên hết sức lo lắng và nhờ mọi người trong buôn lên núi tìm. Đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác mà vẫn không thấy nàng đâu, đêm đã khuya, trời tối như mực nên mọi người đành phải quay về. Khi nghỉ chân ở đoạn suối Ea Drui, mọi người nhìn thấy chiếc gùi của nàng bỏ lại bên suối, bèn tỏa ra xung quanh để tìm kiếm nhưng vẫn không thấy nàng đâu. Đến bên bờ suối mọi người vô cùng sửng sốt thấy dấu chân của nàng, vội chạy về buôn báo cho gia đình và già làng biết chuyện, ai cũng đoán rằng nàng H’Srong đã bị thần nước bắt đi. Ngày hôm sau, già làng cắt cử nhiều người trong buôn men theo dòng suối về xuôi để tìm xác nàng H’Srong, nhưng đi hết con suối, tìm từ ngày này qua ngày khác mà vẫn không thấy xác nàng. Quay về buôn, già làng báo với gia đình và toàn thể buôn làng sắm lễ vật để cúng thần sông, thần nước. Ngày hôm sau tại nơi nàng bị nước cuốn trôi bỗng nhiên hình thành một ngọn thác đẹp, phía dưới ngọn thác là dòng chảy hiền hòa, giống như tính cách của nàng H’Srong, dòng thác không bắt người về với thần sông, thần suối nữa. Về sau bà con trong buôn đặt tên ngọn thác phía dưới thác Drai Yang Lơng là Drai H’Srong, từ đây khi nhắc đến thác Buôn H’Ngô mọi người đều nghĩ và nhớ thương về một người con gái siêng năng, xinh đẹp, nết na đã bị thần nước bắt đi và về với thần sông, thần suối.
Một ngày nọ, gió nổi ầm ầm, mây đen trên núi kéo về, trời tối đen như mực khiến dân làng vô cùng hoảng sợ. Thoáng chốc trời lại sáng như thường, dân làng tò mò kéo nhau lên thác xem. Họ nhìn thấy khu vực quanh thác xuất hiện những tảng đá khổng lồ. Trong đó có một tảng đá rất to chắn hết cả dòng chảy. Thấy vậy, bà con trong buôn coi tảng đá này là “Yang Lơng”.
Từ đó thần Yang Lơng luôn che chở và bảo vệ bà con. Không chỉ báo trước những chuyện sắp xảy ra, Yang Lơng còn là vị thần có cảm xúc. Thần có thể thấu hiểu tất cả và gửi thông điệp đến với những mất mát đau thương mà bà con trong buôn gặp phải.
Trong buôn có người đau nặng hay sắp chết ngọn thác đổ nước xuống mạnh, tiếng nước chảy vang vào tận buôn như báo tin cho mọi người. Người dân trong buôn muốn làm việc gì dù lớn hay nhỏ đều mang lễ vật vào thác để cúng thần linh với mong ước mọi việc được suôn sẻ...
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp lại gắn với truyền thống cách mạng của đồng bào dân tộc ở Buôn H’Ngô và Khu di tích căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 – 1975. Ngày 17/10/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng thác Buôn H’Ngô là Di tích danh thắng cấp tỉnh, tạo điều kiện cho nơi đây thu hút đầu tư để phát triển, đặc biệt là tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế , xã hội.