CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

“Chạy ăn” với những gánh hàng rong ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM

Đó là cảnh mưu sinh của hàng chục hộ lao động sinh sống bằng nghề bán hàng rong trong làng đại học, họ ôm gánh hàng tháo chạy mỗi khi đội quản lý trật tự đô thị xuất hiện.

Những phận đời hẩm hiu

Rảo một vòng hết các con đường lớn ở khu làng đại học, chúng tôi bắt gặp cô Nguyễn thị Thủy (quê Quảng Ngãi) bán tàu hũ quen thuộc ngày nào, gặp chúng tôi gương mặt cô mừng rỡ, đôi mắt đen tròn, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn. Cô cười rồi nói: "mấy tháng nay phải đổi 'địa bàn' suốt, có bữa phải dọn đồ luôn để chạy sớm".

“Chạy ăn” với những gánh hàng rong ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh 1.

Hình ảnh những xe hàng rong mưu sinh mỗi tối trong làng ĐHQG TP.HCM.

Ngày trước, khi khu chợ đêm làng ĐHQG TP.HCM còn được phép hoạt động, cuộc sống buôn gánh bán bưng của cô Thủy phần nào được ổn định bởi được bán công khai, có chỗ đứng cố định gần các sạp hàng lớn trong chợ. Tuy nhiên, từ khi khu chợ đêm nơi đây bị giải tỏa, công việc của cô trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngày ngày cô phải gánh những gánh tàu hủ rảo bán khắp nơi, tới đâu gặp trật tự đô thị thì cô lại vội vã gánh hàng chạy thục mạng, tìm đến vị trí khác. Có những lúc chúng tôi chứng kiến cảnh cô vừa ăn, vừa gánh hàng để chạy.

Kể về hoàn cảnh gia đình Cô Thủy chia sẻ, cô đã mưu sinh với gánh hàng rong trong làng đại học này đã hơn 20 năm qua. Chồng mất sớm, cô dắt díu con gái nhỏ rời quê lên TP.HCM sinh sống. Lúc ấy, làng đại học mới thành lập, giá phòng trọ còn rẻ cô Thủy thuê phòng trọ và chọn nơi đây làm nơi khởi đầu sự nghiệp bán rong của mình.

“Chạy ăn” với những gánh hàng rong ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Thủy, quê ở Quảng Ngãi đã 20 năm mưu sinh bằng nghề bán hàng rong trong khu vực làng ĐHQG TP.HCM.

Đến nay, con gái cô cũng đã có chồng, 2 vợ chồng cũng sát cánh cùng cô Thủy buôn bán trên chiếc xe đẩy ở khu làng đại học với món bánh mì bò lá lốt và bánh mì nem nướng.

"Dù bán tàu hũ cũng không có lời nhiều nhưng được đồng nào hay đồng nấy, có còn hơn không. Dịch qua, cô mừng lắm, tưởng việc bán rong cũng bình ổn theo nhưng dân phòng khu vực siết chặt trật tự đô thị sau dịch dữ quá nên bán buôn cũng khó nhằn, thu nhập thất thường, xuống nhiều hơn lên", cô Thủy tâm sự.

Cùng cảnh ngộ với cô Thủy, anh Nguyễn Tuấn Bảng (quê Khánh Hoà) mưu sinh với gánh gà rán, khoai tây chiên ở làng đại học. Anh Bảng kể, gia đình anh có 5 người, cuộc sống gia đình khó khăn nên học xong cấp 2 anh đã nghỉ để theo nghề biển, phụ giúp cha mẹ nuôi 2 em nhỏ.

“Chạy ăn” với những gánh hàng rong ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Tuấn Bảng mưu sinh với gánh gà rán và khoai tây chiên.

Việc đi biển ngày càng khó khăn khi chủ ghe liên tục phá sản vì lỗ, anh Bảng quyết định vào TP.HCM kiếm sống. Nhờ làm phụ bếp trong một quán ăn nhỏ lúc mới vào TP.HCM nên khi nghỉ việc, anh có được cái nghề chiên gà, khoai tây để bán dạo.

"Bây giờ bán ở đây là có 'công thức'. 6h chiều những ngừoi bán hàng rong tản ra 2 bên khu ký túc xá hoặc ra phía sau đường vành đai, đợi mấy anh dân phòng ngồi canh tới 9h tối về thì dọn đến cổng ký túc xã để bán", anh Bảng chia sẻ.

Cần lắm khu vực để mưu sinh

Chứng kiến nhiều lần những người mưu sinh với gánh hàng rong vội vã gánh hàng chạy , những bạn trẻ là sinh viên của các trường thành viên ĐHQG TP.HCM không khỏi xót xa.

“Chạy ăn” với những gánh hàng rong ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh 4.

Dù luôn phải mua bán trong tâm thế lo sợ và trốn chạy, nhiều người bán hàng rong ở làng ĐH vẫn cố gắng bám trụ với "ước mơ" có khu vực để mưu sinh không phải "chạy ăn" và lo sợ.

"Những người lao động mưu sinh với nghề hàng rong trong làng đại học đã có từ bao đời nay, đây cũng được xem là một hình ảnh thân thuộc của bao thế hệ sinh viên, cũng là nơi để đáp ứng nhu cầu ăn uống bình dân của những sinh viên nghèo. Bởi vậy việc duy trì và tạo một khu vực riêng cho người lao động mưu sinh với nghề bán hàng rong trong làng đại học là cần thiết. Điều này sẽ giúp cho người lao động có một công ăn việc làm ổn định cuộc sống vừa đảm bảo trật tự an toàn trên địa bàn.", bạn Nguyễn Hùng, sinh viên ĐHQG TP.HCM chia sẻ.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, bạn Phạm Thị Uyển Nhi, sinh viên Trường Đại học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, nhiều sinh viên ở đây chủ yếu cũng là dân ở các tỉnh lên học tập. Các món ăn từ những gánh hàng rong dao động từ 5.000 - 20.000 được coi là "cứu tinh" tài chính của các bạn nên việc tạo một khu riêng cho người bán hàng rong là phù hợp. Nếu được thì cơ quan quản lý nên thành lập một khu dành riêng cho người bán hàng rong ở làng đại học để họ có thể duy trì công việc và sinh viên cũng được đáp ứng nhu cầu ăn uống.


HUYỀN MY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh