Chàng sinh viên chế tạo thiết bị học tập cho người khiếm thị
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:02 - 27/10/2017
“Nhiều học sinh khiếm thị thấy mặc cảm vì phải cần giáo viên và người thân giúp đỡ mới có thể học đọc và viết chữ nổi Braille. Vì vậy, mình muốn tạo ra một thiết bị để người khiếm thị chủ động tự học chữ nổi”, Duy Hùng cho biết.
Từ động lực đó, cậu sinh viên Bách khoa đã miệt mài suốt một năm để học chữ nổi và tìm cách chế tạo thiết bị học tập cho người khiếm thị. Thiết bị này giúp người khiếm thị nhớ lại những chữ đã quên nhờ hệ thống tự nhận dạng giọng nói. Khi người dùng nói từ cần nhắc vào micro, thiết bị tự động kích nối các ký tự nổi trên mặt thiết bị để người khiếm thị sờ để ghi nhớ.
Sinh viên Nguyễn Duy Hùng hướng dẫn một người khiếm thị sử dụng thiết bị hỗ trợ học tập.
Khó khăn nhất trong quá trình chế tạo là việc gia công cơ khí cho hệ thống kích nổi sao cho nhỏ gọn nhất. Sau khi hoàn thành, Duy Hùng mang sản phẩm đến cơ sở giáo dục chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) để nhờ các em khiếm thị góp ý thêm. Tính đến nay, sáng chế của Hùng đã là phiên bản thứ 5.
Sau 5 lần cải tiến, thiết bị học tập cho người khiếm thị của Hùng tích hợp đến 5 tính năng nổi bật như: nhắc chữ và tập cảm nhận chữ nổi, tập viết chữ nổi, tính toán các phép tính, xem đồng hồ và giải trí sau khi học tập. Dù tích hợp đến 5 tính năng nhưng máy chỉ nhỏ gọn như một chiếc laptop để người dùng dễ dàng mang đi nhiều nơi. Chi phí để chế tạo chiếc máy này cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.
Suốt một năm làm thiết bị này, Duy Hùng khá áp lực vì phải vừa chế tạo máy, vừa hoàn thành khối lượng bài vở lớn ở trường. “Mình không nghĩ nhiều đến lợi ích kinh tế khi chế tạo, động lực lớn nhất của mình là muốn các em khiếm thị không mặc cảm vì phải phụ thuộc vào người khác trong việc học chữ. Thêm vào đó, mình cũng muốn sản phẩm này là kỷ niệm đẹp cho quãng đời sinh viên”, Duy Hùng chia sẻ.
Trong thời gian tới, cậu sinh viên Bách khoa Đà Nẵng dự định cải tiến mẫu mã thiết bị nhỏ gọn hơn và giảm giá thành. Một công ty nước ngoài đã ngỏ ý mua lại ý tưởng của Hùng nhưng Hùng chưa đồng ý vì một trăn trở lớn: “Nếu họ mua lại cũng chỉ sản xuất để phục vụ cho học sinh nước họ, còn các trẻ em khiếm thị nghèo ở Việt Nam thì sao?”.
Công trình “Thiết bị hỗ trợ học tập cho người khiếm thị” của Nguyễn Duy Hùng đang dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017”. Đây là cuộc thi khuyến khích các tri thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp sáng kiến cho ngành giáo dục, do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện.
Sau hơn 5 tháng phát động, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017” nhận được hơn 300 công trình dự thi đóng góp cho ngành giáo dục.