THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:07

Hà Nội

Chăm lo toàn diện đời sống người có công

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng quà NCC và thân nhân liệt sĩ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng quà NCC và thân nhân liệt sĩ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.

Nhiều chính sách đặc thù được ban hành

Hiện, TP. Hà Nội có gần 800.000 NCC với cách mạng (chiếm gần 10% NCC của cả nước), trong đó gần 86.000 NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và gần 700.000 người hoạt động kháng chiến, cựu TNXP... hưởng trợ cấp ưu đãi 1 lần, BHYT, mai táng phí.

Phát huy giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, 76 năm qua, TP luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành và vận động toàn dân tham gia thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng. Thời gian qua, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng với nhiều chế độ cao hơn mức của Trung ương.

Trong đó, có thể kể đến chủ trương cấp thẻ xe buýt miễn phí cho NCC, người khuyết tật; trợ cấp hằng tháng cho cựu TNXP sống cô đơn, không nơi nương tựa và cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày có hoàn cảnh khó khăn...

Để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho đối tượng chính sách, NCC, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP. Hà Nội khóa 16 đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ NCC với cách mạng và thân nhân NCC gồm 2 chính sách, tổng kinh phí thực hiện dự kiến 114 tỷ đồng/năm (tăng so với năm 2022 khoảng 99,7 tỷ đồng).

Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ NCC với cách mạng và thân nhân NCC trên địa bàn TP quy định các đối tượng được hỗ trợ gồm: Cha, mẹ đẻ, NCC nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; thương, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; NCC giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà ở mức 0,9 lần mức chuẩn NCC; điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: 1,8 lần mức chuẩn NCC; hỗ trợ chi khác phục vụ công tác điều dưỡng tập trung (điện, nước, vệ sinh...): 500 nghìn đồng/người/lượt điều dưỡng.

Các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm.

Các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm.

Về mức hỗ trợ tiền ăn và chi khác đối với NCC và thân nhân NCC nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin TP (mở rộng đối tượng, nâng mức tiền ăn và chi khác quy định tại Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 của UBND TP). Đối tượng là NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và thân nhân liệt sĩ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC của TP; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng nuôi dưỡng tại trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin TP. Mức chi gồm: Tiền ăn 3 triệu đồng/người/tháng; chi khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường...): 500 nghìn đồng/người/tháng.

Nghị quyết có điểm mới là mở rộng hỗ trợ. Đó là hỗ trợ tiền khám sức khỏe đối với NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC. Mức chi hỗ trợ (bằng tiền mặt) là 1 triệu đồng/người/năm. Hỗ trợ tiền mai táng khi NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng từ trần (ngoài mức kinh phí theo quy định của Luật BHXH). Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của Luật BHXH tại thời điểm NCC và thân nhân NCC từ trần.

Cũng tại kỳ họp này, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các Ban liên lạc tù chính trị TP. Hà Nội và nội dung mức quà tặng của TP tới các đối tượng NCC nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9. Theo đó, mức quà tặng NCC trong các dịp này là 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.

Tiếp nối hành trình tri ân

Theo Sở LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm nay, Sở và các Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và giải quyết 11.205 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân NCC với kinh phí khoảng 42 tỷ đồng. Tổng kinh phí 6 tháng đầu năm chi cho công tác ưu đãi NCC của TP là 1.061 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp 1 lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng NCC 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.870 trường hợp với kinh phí 41,8 tỷ đồng. Cùng với tổ chức điều dưỡng, các quận, huyện, thị xã đã và đang phối hợp các bệnh viện, Ban Chấp hành quân sự cấp huyện, bệnh viện, trung tâm y tế cấp thuốc, tặng quà cho gần 30.000 đối tượng chính sách, NCC với kinh phí gần 6 tỷ đồng.

Từ đầu năm tới nay, Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp tra cứu, cung cấp thông tin đối với 41 trường hợp liệt sĩ cho các đơn vị quân đội để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP đã, tổ chức Đoàn đại biểu đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ TP, một số địa danh di tích lịch sử cách mạng và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội, tại: Hà Giang, Điện Biên, Côn Đảo, Phú Quốc, Tây Ninh, Kon Tum đảm bảo chu đáo, trang trọng và an toàn.

Tháng 7, Sở tham mưu tổ chức đoàn Đại biểu TP viếng nghĩa trang tại các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An. Từ nhiều năm nay, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của TP nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Cùng dịp này, Hà Nội đã trao 121.215 suất quà tới các đối tượng với tổng kinh phí 192,888 tỷ đồng. Trong đó, mức quà cá nhân (tiền mặt) 2.000.000 đồng/người tặng Mẹ Việt Nam anh hùng; thương, bệnh binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, NCC nuôi) và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp được tặng quà mức 2.000.000 đồng tiền mặt. Mức quà (tiền mặt) 1.000.000 đồng/người tặng đại diện thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/suất quà). Ngoài ra, TP cũng tặng quà các đơn vị, trung tâm nuôi dưỡng NCC, ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà một số đơn vị, cá nhân tiêu biểu...

Bữa cơm với thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng dành cho đại biểu người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm.

Bữa cơm với thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng dành cho đại biểu người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm.

 Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù dành cho NCC, thời gian qua Hà Nội đã huy động thêm các nguồn lực để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần NCC. Tính đến hết tháng 6, TP đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 21,4/22,9 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch, dự kiến hết tháng 7, các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vận động Quỹ Đền đơn đáp nghĩa được giao. Ngoài ra, TP cũng vận động xã hội hóa việc tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho NCC với kinh phí 5,88 tỷ đồng; tặng 735/1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 2,36 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 43/53 công trình ghi công liệt sĩ; lập danh sách và đưa 10.673/17.155 NCC đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm NCC TP.

Việc tổ chức các hoạt động thiết thực thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với đời sống NCC. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của mảnh đất ngàn năm văn hiến với thế hệ trẻ hôm nay.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh