Chăm lo đời sống người có công: Trách nhiệm, nghĩa tình
- Người có công
- 19:53 - 17/06/2017
Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
Sau 42 năm thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát huy truyền thống năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa", TP. Hồ Chí Minh còn là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo cùng nhiều phong trào xã hội khác có hiệu quả sâu rộng, trở thành điển hình để các địa phương và Trung ương nghiên cứu nhân rộng.
Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 243.500 người có công với cách mạng, trong đó có 658 cán bộ lão thành cách mạng, 921 cán bộ tiền khởi nghĩa…. Đặc biệt, Thành phố có 3.633 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng" (hiện còn sống 287 mẹ).
Ông Trần Tấn Ngời, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài các chế độ chính sách của Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh vận động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống) với mức ít nhất 2.000.000 đồng/tháng/mẹ; vận động hỗ trợ thường xuyên thương binh nặng (tỷ lệ thương tật 81% trở lên) có hoàn cảnh khó khăn ít nhất 1.000.000 đồng/thương binh/tháng và thương binh đặc biệt nặng, có hoàn cảnh khó khăn ít nhất 2.000.000 đồng/thương binh/tháng. Thành phố đã xây dựng hơn 16.200 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 176 tỷ đồng; sửa chữa hơn 11.468 căn nhà; cấp hơn 3.150ha ruộng đất cho các gia đình NCC để sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Thái Bình là tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của và có đông đối tượng NCC. Toàn tỉnh có hơn 40 vạn người tham gia kháng chiến; hơn 51 nghìn liệt sĩ, hơn 32 nghìn thương binh, bệnh binh, hơn 5 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Nhiều năm qua, MTTQ tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ, giám sát thực hiện chính sách, giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh, đặc biệt là các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa… giúp nhiều gia đình chính sách, NCC vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình Đặng Thanh Giang cho hay: Mặt trận phối hợp với ngành LĐ-TB&XH và các cơ quan, đơn vị giới thiệu chăm lo phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh được nhận phụng dưỡng suốt đời. Mặt trận phối hợp với các ban, ngành tổ chức cho các đoàn đi thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ có nhiều con em địa phương đang yên nghỉ; tổ chức thắp nến tri ân tại 100% nghĩa trang trên địa bàn tỉnh vào ngày 26-7 hằng năm.
Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam, Bí thư Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thăm mẹ VNAH Lý Thị Sáu ở Tp Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Cả hệ thống chính trị chung tay, góp sức
Hiện nay, cả nước có hơn 9 triệu người được hưởng chính sách ưu đãi NCC, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng… NCC với cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất; hỗ trợ cải thiện nhà ở… Trong những năm qua, phát huy khả năng vận động tập hợp, MTTQ các cấp có nhiều việc làm sáng tạo, đa dạng và phong phú, huy động đáng kể các nguồn lực trong nhân dân, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho các đối tượng NCC với mục tiêu bảo đảm cho các gia đình chính sách có mức sống trung bình khá so với người dân địa phương.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: “Thể hiện tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như hơn 90 triệu người dân Việt Nam với NCC, trong 2 năm 2014-2015, MTTQ đã phối hợp tổ chức cuộc tổng rà soát quy mô lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến 7 đối tượng NCC với cách mạng, để có biện pháp phối hợp chăm sóc ngày càng tốt hơn NCC. Sự phối hợp giữa MTTQ với chính quyền địa phương và các ngành liên quan, đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc tổng rà soát, đồng thời góp phần tạo phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Trong 10 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Tuy nhiên trên cả nước hiện nay, đời sống của một bộ phận gia đình chính sách, NCC vẫn còn gặp khó khăn cần tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội. Chính vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp, chung tay của toàn xã hội trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục tổ chức hiệp thương, phân công trách nhiệm giữa MTTQ với các tổ chức thành viên trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước đối với NCC; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. MTTQ cũng phối hợp tổ chức thống kê, rà soát đối tượng NCC với cách mạng, đặc biệt cần quan tâm đến các đối tượng khó khăn, những người bị thiệt thòi, nạn nhân của chiến tranh, có hoàn cảnh đặc biệt…
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, MTTQ và nhân dân đã và đang có nhiều việc làm nghĩa tình, tri ân, để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với nước ngày càng được đầy đủ, tốt đẹp hơn.