THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:00

Chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật

Chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật  - Ảnh 1.

Nhiều cơ chế chính sách trợ giúp người khuyết tật hoà nhập, vươn lên trong đời sống

Theo Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Hà, hiện nay cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số.

Năm 2020 cả nước đã có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở Bảo trợ xã hội và 100% người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật.

Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật đến nay đã được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện và 4.604 xã, phường, trên 90% người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu.

Giai đoạn 2011 - 2020, bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Để hỗ trợ người khuyết tật về việc làm, các địa phương đã hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với các nguồn vay vốn ưu đãi, giai đoạn từ 2011 - 2020, ước tính có khoảng 38.564 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.

Một số địa phương đã thực hiện chính sách giảm giá vé cho người khuyết tật tham gia giao thông ở mức từ 25% -100%...

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của nhóm người yếu thế này. Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp như hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp khác cho người khuyết tật, tặng xe đạp, cấp học bổng, trợ giúp tìm việc làm, xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Các hoạt động hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận, công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia hay thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình tiếp tục được thực hiện.

Để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết thời gian tới, Văn phòng Ủy ban quốc gia Người khuyết tật và Bộ sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật. Cơ quan chức năng tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.

Trong xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật sẽ tập trung thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…

CT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh