Chăm lo cho người có công thể hiện sâu sắc truyền thống 'uống nước, nhớ nguồn'
- Người có công
- 05:08 - 13/06/2019
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao quà lưu niệm tặng các đại biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phó Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn và có chính sách ưu đãi cho các đối tượng người có công. Nhiều chính sách đối với người có công như hỗ trợ về nhà ở; trợ cấp, phụ cấp; cấp thẻ bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; ưu tiên trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề và việc làm; đất đai, tín dụng để phát triển sản xuất… đã được thực hiện. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa” đối với người có công, gia đình chính sách.
Dù vậy, có làm bao nhiêu cũng không đủ để đền đáp công ơn của các lớp cha anh. Cả hệ thống chính trị phải tăng cường nhận thức, có trách nhiệm và làm hết khả năng để quan tâm đến đời sống của người có công, gia đình chính sách.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phát huy, làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, trong đó, không chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ của Trung ương mà tỉnh cũng cần chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội để tạo điều kiện sống tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách.
Phó Thủ tướng cũng mong người có công trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí của người chiến sỹ cộng sản, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ, trước hết là vận động gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Phó Thủ tướng đề nghị người có công trong đoàn tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với các đại biểu người có công tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữa nước của dân tộc ta, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thừa Thiên - Huế là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng và an ninh. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt, với nhiều chiến công hiển hách, đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược. Cùng với chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta, đồng bào, nhân dân ở mọi miền đất nước đã phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất rất lớn, trong đó có sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 110.000 người có công với cách mạng, trong đó 53 Anh hùng Lực lượng vũ trang; 2.341 Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 72 mẹ); gần 19.000 liệt sĩ; gần 13.000 thương binh, bệnh binh và hưởng chính sách như thương binh; trên 31.000 người là cán bộ hoạt động kháng chiến; trên 30.000 người có công giúp đỡ cách mạng đã được Nhà nước khen thưởng huân chương, huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc một lần.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có trên 5.000 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 4.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Số đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 19.600 đối tượng.