Cầu khỉ trong đời sống của sông nước miền Tây
- Văn hóa - Giải trí
- 13:00 - 26/06/2015
Cầu khỉ – nét văn hóa đời sống của người dân miền Tây Nam bộ.
Vùng đất miền Tây Nam bộ với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, vùng đất trù phú đã hình thành nên một nền văn hóa miệt vườn sông nước với những chiếc “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương. Cầu khỉ gắn liền với đời sống sông nước miệt vườn và trở thành hình ảnh thân quen và rất đỗi thân thương của người dân miền Tây Nam bộ. Cây cầu khỉ miệt vườn sông nước vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ngày ấy, vùng quê này còn nghèo, cây cầu khỉ đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu khỉ mọi người dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh ấy đã đi vào thơ ca qua tiếng hát êm đềm của mẹ ru con:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.
Ở miền Tây Nam bộ, các em nhỏ có thể dễ dàng đi qua cầu khỉ.
Vì thế, những chỗ không tiện sử dụng xuồng ba lá, người miền Tây thường bắt những chiếc cầu đơn giản để dễ dàng đi lại. Cầu khỉ có thân cầu thường làm bằng cây tre hay cây gỗ nằm trên những thanh tre bắt chéo, phía trên có tay vịn. Cầu khỉ là nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu của miền đất đồng bằng sông Cửu Long. Nếu hình ảnh cây cầu khỉ quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu khỉ giống đôi chân của một cụ già.
Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu khỉ gọn gàng nối bên này bên kia bằng vài ngọn tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, thêm một mớ dây mây rừng, dây choại là cây cầu khỉ đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu khỉ đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kinh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê. Cây cầu khỉ luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu khỉ chia dòng sông làm hai phần đều nhau.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại, cầu khỉ ở miền Tây Nam bộ dần được thay đổi và “biến hóa” thành những cây cầu bằng ván, xi măng chắc chắn và rộng hơn. Tuy nhiên, ở những làng quê, các cù lao, miệt vườn miền Tây thì cây cầu khỉ vẫn còn tồn tại. Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu khỉ quê hương. Nhớ quá những cây cầu khỉ gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.
Cây cầu khỉ gắn liền với đời sống sông nước của người dân miền Tây Nam bộ.