THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:49

Ly kỳ chuyện săn cá hô ở miền Tây

 

Chuẩn bị cho chuyến đi săn cá hô.

Bỏ mạng vì săn cá

  “Xứ sông nước này nhiều người do quá nôn nóng muốn kiếm tiền triệu từ loài cá này mà phải bỏ mạng. Tôi nhớ hè năm 2012, do mải theo một đàn cá hô hàng chục con mà không để ý sự thay đổi của dòng nước, ông Tám Hơn ở Bến Tre đã phải bỏ mạng ngay trên dòng sông Tiền. Xác ông mấy ngày sau khi gặp nạn, mới tìm thấy ở hạ nguồn. 

Kiếm được nhiều tiền đấy, nhưng không phải cứ muốn là bắt được cá hô đâu”- ông Trần Công Long, một trong những thợ săn cá hô nổi tiếng vùng sông Tiền bộc bạch.

Cá hô có giá trị kinh tế cao nhưng bản tính rất hung dữ, bởi vậy những tay thợ săn mới vào nghề luôn phải dè chừng nếu không muốn xảy ra rủi ro. Theo ông Long, dòng sông Tiền hiện nay chỉ còn đoạn chảy qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp là còn nhiều cá hô, nên nhiều thợ săn nơi khác đổ về đánh bắt. 

Cuối năm 2011, khi đàn cá hô di cư về, nhiều tốp thợ ở Cà Mau biết tin kéo lên. Trong lần săn đó, anh Chín Chung bị cá hô quẫy cho dập cả lá lách phải vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cấp cứu, hiện vẫn mang dị tật trên người và không còn khả năng lặn sông để giăng lưới săn cá như trước nữa.

Nhiều thợ săn từ có tiền, trở thành nghèo túng cũng từ cá hô.

Sự mất tích bí ẩn ngay dưới lòng biển sâu của anh Tạ Văn Năm ở Sa Đéc cũng trở thành nỗi boăn khoăn và ám ảnh của nhiều thợ săn cá hô, bởi thường ngày anh Năm rất thông thạo trong việc săn bắt trên sông. Hai bạn săn Văn Năm, Đức Hiểu thổn thức kể: “Hôm đó trời tối đen như mực.

Thường những khi thời tiết như thế việc đi săn loài cá này, độ rủi ro rất cao. Nghĩ mình có kinh nghiệm, nên anh Năm vẫn quyết định mò mẫm giăng lưới. Do lưới vây lâu ngày bị mục, nên anh bị đàn cá hô tấn công, ngạt hơi chìm xuống đáy sông. Biết tin anh gặp nạn, chúng tôi lập tức tổ chức đi mò  tìm thi thể, nhưng gần hai năm nay chưa thấy…”

 “Lột xác” cũng nhờ cá, mạt vận cũng vì cá

Mỗi con cá hô nặng khoảng 80 - 100kg, hiện nay giá bán sỉ từ 2 - 4 triệu đồng/kg  cho thương lái trên Sài Gòn, nên nhiều người dân sông nước miền Tây luôn háo hức kiếm tìm. Đứng giữa căn nhà khang trang của mình, ông Trần Văn Tám quê ở Đồng Tháp, cho biết: “Tất cả cơ ngơi này cũng nhờ 10 năm đi săn cá hô đấy. Trước kia, loài cá này còn nhiều chứ giờ đây cũng chẳng được mấy.

Năm 2007, nhóm thợ săn 4 người chúng tôi trung bình mỗi mùa đi săn, trúng vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Giống “thủy quái” này đi săn vào ban đêm thường bắt được con  đực to, thương lái mua trả giá cao, nên cánh thợ săn ham lắm”.

Ông Nguyễn Văn Thủy, ngay sát vách nhà ông Tám cũng sắm sanh được đủ thứ và “lột xác” từ nghèo khó trở thành khá giả nhờ săn cá hô. Ông Thủy cho biết: “Trước kia, ngôi nhà tôi đang ở chỉ là mảnh đất trống.

Nhờ trúng liên tục 5 mùa cá hô nên gia đình đã đổi đời. Bây giờ cuộc sống tạm ổn định, tôi không bám theo cái nghề săn đầy hiểm nguy này nữa”. Theo nhiều thợ săn, giai đoạn hoàng kim nhất của nghề săn cá hô đã qua, trước nguy cơ tuyệt chủng loài cá quý hiếm, chính quyền địa phương đã khuyến cáo cấm săn bắt.

          Nhiều người phất lên là thế nhưng cũng có người nghèo mạt đi cũng bởi loài cá này. Hối tiếc về những ngày sở hữu hàng trăm triệu trong tay, anh Hai Tuấn buồn bã cho biết: “Đến mùa cá hô, tôi và nhiều người sẵn sàng cầm sổ đỏ lấy tiền đi du lịch và sắm xe đắt tiền với ý nghĩ, đến mùa lại bắt được. Bây giờ thỉnh thoảng mới bắt được một con thôi. Không kiếm được cá, tài sản, nhà cửa bị cầm cố, nhiều người từ khá giả, nay tay trắng chẳng biết kiếm kế gì để sinh nhai”.

Tuy có lệnh cấm nhưng dọc con sông Tiền, sông Hậu vẫn còn nhiều người thường xuyên đánh bắt được cá hô. Xuất phát của nghề săn loài cá đặc biệt này là những thợ săn dân tộc Khmer. Ông Rơ Man, một người Khmer từng gắn bó gần 20 năm với việc săn bắt loại cá này, cho biết: “Muốn bắt cá hô, phải biết được hướng đi, nắm bắt rõ đặc tính của cá.  

Khi cá mắc lưới, phải biết vật ngửa bụng cá lên, bởi khi bị lật ngửa, chúng không quẫy thúc vào sườn người đi bắt”. Theo những thợ săn dày dặn kinh nghiệm, muốn theo dấu cá hô phải biết quy luật kiếm ăn của nó. Cá hô thường rất kén chọn thức ăn, chúng không ăn những động vật đã thối rữa. Mùa sinh sản, cá hô đi kiếm ăn từ 3 đến 5 lần bơi theo những con nước ròng vào các ngày cuối tháng.

Nhiều con cá hô nặng tới hàng trăm kg.  

Cũng theo ông Rơ Man, quy trình cũng như các hoạt động của loài cá hô vẫn có những lúc bất thường. Sau mỗi trận bão lũ hay khi nước sông xuống quá thấp, sự di cư của bầy cá này thường đến sớm hơn bình thường. Bởi vậy nếu không nắm bắt rõ thời tiết, thì rất khó bắt được loài cái này. Theo kinh nghiệm của cánh thợ săn Khmer, cách thuận lợi nhất là bắt vào những đêm sáng trăng.

Ánh trăng rọi trên mặt sông là một thứ hấp dẫn đối với loại cá này. Cá hô là loài to xác nhưng rất dại, khi bị mắc vào lưới chúng đâm đầu, vùng quẫy cho mắc sâu thêm chứ không biết luồn lách để tìm kẽ hở thoát ra như nhiều loài cá khác. Khi bắt loại cá này phải chú ý phần đuôi, bởi phần đuôi là nơi tập trung sức mạnh nhất của loại cá này.

Trên sông Tiền hầu hết các vụ bị cá hô vật chết đều bắt đầu từ chiếc đuôi của nó.Có thợ săn chỉ chú ý chụp đầu cá mà không chú ý phần đuôi đã bị chúng quất mù cả mắt.

Anh Trần Tuấn Nam, thợ săn sành sỏi đã đúc rút kinh nghiệm bắt cá hô. Theo anh Nam, những chiếc lưới dùng bắt cá hô phải được kiểm tra thường xuyên, các mắt lưới cần được bố trí cài thêm các lưỡi câu để khi bị dính, cá sẽ giảm khả năng phản kháng và không có khả năng phá thủng lưới. Trong trường hợp thấy cá hô mắc lưới, quẫy chưa đủ mệt, người thợ săn không nên vội vàng gỡ lưới, để tránh mọi rủi ro, hiểm nguy có thể xảy ra. 

Mỹ Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh