THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:41

Khám phá miền Tây Khánh Hoà

Từ miền đất tiềm năng du lịch

Theo tỉnh lộ 9 phải đi gần 40 km mới tới Khánh Sơn. Hai bên đường là những đồng lúa nhỏ chia cắt bởi những bờ tre xanh, những rặng núi nhấp nhô ẩn hiện xa xa trong sương sớm, những ngôi nhà nhỏ của những người dân Raglai nép bên sườn đồi. Người Raglai ở đây vẫn còn giữ được những căn nhà sàn truyền thống xây dựng cách đây hơn một trăm năm.

Điểm nổi bật của vùng đất miền Tây Khánh Hoà là những dòng thác nổi tiếng như thác Yang Bay, thác Ngựa, suối Mấu, suối khoáng nóng ở Khánh Hiệp. Khi tới vùng đây, chúng tôi bắt gặp những cánh rừng nguyên sinh quanh năm bảng lảng sương mù, những ngọn thác từ các đỉnh núi đổ xuống tung bọt trắng xóa. Hình ảnh những cây cầu treo, những nương ngô xanh mướt bên sườn đồi tạo cảm giác yên bình về cuộc sống vùng cao. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch (DL), miền Tây Khánh Hoà có rất nhiều tiềm năng để phát triển về DL sinh thái, DL kết hợp với thể thao núi… Việc phát triển DL của Khánh Vĩnh, Khánh Sơn sẽ góp phần tạo thành vòng tròn khép kín các tour DL kết hợp giữa biển và rừng.

Nhận thấy những tiềm năng về DL, những năm gần đây, Khánh Hoà đã chú ý đến việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển DL. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đến năm 2020, tiềm năng DL là thế mạnh được UBND tỉnh chú trọng đầu tư và khai thác. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch một số khu DL (KDL) để kêu gọi đầu tư như: Công viên DL Yang Bay, KDL văn hóa Tiếng đá Giang Ly, KDL sinh thái thác Gia Lố, KDL sinh thái, nghỉ dưỡng suối nước nóng Khánh Hiệp, KDL sinh thái thác Ziông, KDL sinh thái ven thác Ngựa. Các điểm DL sinh thái dọc đường Khánh Lê - Lâm Đồng… Với các sản phẩm DL nghỉ dưỡng, thể thao núi, chèo thuyền vượt thác. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hoà cũng đã tính đến việc xây dựng các điểm DL tham quan các làng nghề truyền thống, mô hình sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

                                                                         Nhưng con suối mát lạnh hút khách du lịch

Nói đến tiềm năng DL ở huyện Khánh Vĩnh ông Trần Hòa Nam, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Tiềm năng DL của huyện khá lớn nhưng để khai thác hết tiềm năng của nó cần đầu tư có chiều sâu hơn, phải có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, kêu gọi đầu tư, tuy nhiên hiện nay việc kêu gọi đầu tư để phát triển DL còn khá khó khăn bởi cơ sở hạ tầng như: Điện, nước… còn nhiều hạn chế, trình độ của nguồn nhân lực địa phương còn yếu kém. Bà Phan Thanh Trúc, Trưởng phòng Quy hoạch tài nguyên DL Sở VH-TT&DL cho biết: “Một số nhà đầu tư đã quan tâm đến việc đầu tư các KDL dọc theo đường Nha Trang - Đà Lạt (đoạn qua địa bàn Khánh Vĩnh). Tuy nhiên, đến nay các dự án được triển khai chậm”. Theo bà Trúc, Khánh Hòa rất cần các sản phẩm DL rừng để kết hợp với các sản phẩm DL biển. Vì vậy, nếu biết cách khai thác (gắn DL sinh thái với văn hóa truyền thống), các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tạo ra được những sản phẩm DL hấp dẫn với du khách.

Đến những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng

Miền tây Khánh Hoà cũng là địa danh gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: Sầu riêng, xoài, mít… Sầu riêng Khánh Sơn, Khánh Vĩnh với ưu điểm vỏ mỏng, thịt ráo, cơm vàng, hạt lép, độ thơm ngon cao đã được thị trường ưa chuộng.  Khánh Sơn đã xây dựng và triển khai đề án 500ha đất chuyên canh cây sầu riêng. Hiện nay, cây sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, với tổng diện tích trồng gần 700 ha và đã có trên 300 ha sầu riêng đang vào mùa thu hoạch.

                                                                       Thác nước ở miền tây Khánh Hòa

Một trái sầu riêng Khánh Sơn nặng từ 4 - 5kg, có trái nặng đến 7 - 8 kg. Sầu riêng đã mở ra cơ hội mới cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Các nhà vườn cũng đã liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, hợp tác làm ăn… Năm 1999, UBND huyện Khánh Sơn chính thức đăng ký nhãn hiệu độc quyền “sầu riêng cơm vàng hạt lép Khánh Sơn”.

Ngoài cây sầu riêng thì từ Khánh Sơn xuôi về huyện Cam Lâm, vùng đất nổi tiếng trồng xoài. Xoài ở đây trung bình mỗi quả năng 0,7-0,8 kg, có những quả lớn nặng trên 1kg, diện tích trồng xoài ngày càng được mở rộng nhờ người dân tích cực khai hoang. Xoài Cam Lâm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong tỉnh và trong cả nước, được bán ra các thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Cùng với xoài là các sản phẩm được chế biến từ xoài như: Bánh xoài, kẹo xoài, soài sấy khô…đem lại thu nhập cao cho người dân địa phưong. Nhiều hộ dân đã làm giàu từ chính sản những cây xoài và trên miền quê của mình…

Và đậm đà sắc màu văn hoá

Miền Tây Khánh Hoà là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như. Đồng bào T’ring, Raglai, Êđê… mỗi một dân tộc có một nét văn hoá riềng, tạo nên một nền văn hóa truyền thống khá độc đáo Ngoài ra, đây cũng là khu vực có nhiều di tích lịch sử cách mạng như căn cứ Hòn Dù, Hòn Dữ…tới đây chúng ta được chứng kiến bản sắc văn hoá đậm đà của các dân tộc Việt Nam, xem các màn biểu diễn nhạc cụ của dân tộc Raglai, thưởng thức ẩm thực, xem các nhạc cụ truyền thống, đàn đá, khèn, chiêng, những ngôi nhà sàn cổ hàng trăm năm, các tục lệ cầu mưa, mừng lúa mới, lễ bỏ mả…

Điểm nhân trong các nghi lễ là “lễ bỏ mả” của người Raglai. Giống như người Ê Đê, Gia Rai, Chu Ru, người Raglai quan niệm sau khi làm lễ bỏ mả, linh hồn sẽ về sống với tổ tiên ông bà ở một ngôi làng xa xăm gọi là làng của ông bà tổ tiên và chờ đến ngày ông bà cho đi “nhập kiếp đầu thai”. Với người Ê Đê và người Gia Rai, cho rằng sau lễ tang “hồn vẫn sống lang thang ở nghĩa địa và được gia đình nuôi cho ăn uống và chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới ra đi một chuyến dài, lần này để vĩnh viễn đến cư trú tại một thế giới khác, nơi dành riêng cho linh hồn người chết do ông bà Băng Bdung, Băng Bdai cai quản, gọi là “làng ma”. “Ngôi làng ma” của người Raglai tuy không thật sự cụ thể, rõ ràng như người Bắc Tây nguyên, nhưng lại rất gần gủi với họ, đó là ngôi làng mà ông bà, cha mẹ, con cháu của người Raglai, sau khi qua đời đều “quy tụ” về đây. Quan niệm này cũng thể hiện sự thống nhất trong đời sống tín ngưỡng của người Raglai. Mặc dù tín ngưỡng của người Raglai là “vạn vật hữu linh”, tuy nhiên đối với họ, ông bà tổ tiên là các vị thần quan trọng nhất, gần gủi nhất, có sự chi phối nhiều nhất đối với đời sống tâm linh của tộc người này.

                                                                           Những cây xoài trĩu quả 

Cũng tại vùng đất miền tây Khánh Hoà, người ta còn phát hiện ra những dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ, chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này – dân tộc Raglai – là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá. Cùng với việc phát hiện ra bộ đàn này, các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp còn tìm ra nhiều dấu tích người xưa đã chế tác đàn đá tại đây, với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá phún trào (ri-ô-lit pooc-phia) có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác đàn đá Khánh Sơn. Sau bộ đàn đá của ông Bo Bo Ren, những năm sau này, nhiều nơi ở tại Khánh Sơn còn tiếp tục tìm được nhiều bộ đàn đá khác. Lên thăm Khánh Sơn ngày nay, được bà con dân tộc Raglai vốn có truyền thống mến khách đón tiếp, bên bếp lửa nhà sàn, được uống rượu cần, được ăn những món ăn truyền thống của các tộc người nơi đây, được nghe các già làng kể chuyện và nhất là được nghe trực tiếp những âm thanh đàn đá thật là những trãi nghiệm thú vị đối với du khách có dịp đến thăm vùng đất này. Tất cả đã tạo ra những nét văn hoá độc đáo riêng biệt, của miền Tây Khánh Hoà.

                                                                            Đàn đá của người Ragrai

Xuân Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh