Ách tắc do khâu phối hợp
- Huyệt vị
- 17:14 - 13/08/2015
Theo nhiều người dân ở thôn Nhập Thành cho biết, năm 2011, xã Nghĩa Hồ được đầu tư công trình nước sạch, đường ống về đến tận thôn, xóm để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, nên bà con ai cũng rất vui mừng. Tháng 12/2013, nguồn nước sạch sinh hoạt mà bấy lâu người dân mong đợi cũng đã được vận hành. Ông Thành, một hộ dân ở thôn cho hay: “Tưởng chừng sau lần chảy thử nghiệm thì người dân được dùng nước luôn. Thế nhưng sau lần chảy thử đó cho đến nay vòi nước của các hộ đều khô khốc”. Thời gian gần đây nắng nóng, gia đình ông thiếu nước phải đi xin từng thùng nước ở những nhà có giếng, quá bức xúc người dân đề nghị lên lãnh đạo thôn, xã, nhưng không thấy hồi âm. Bản thân ông Thành phải khoan tới 3 giếng với chi phí gần 20 triệu đồng mới có nước dùng. "Hệ thống nước sạch đầu tư hàng tỷ đồng mà không đưa vào sử dụng, trong khi người dân khốn khổ vì thiếu nước thì thật lãng phí" - ông Thành bức xúc.
Không chỉ gia đình ông Thành, mà nhiều hộ trong thôn cũng khó khăn về nước. Thôn có 240 hộ, đa số dùng nước giếng khơi và giếng khoan. Chi phí khoan từ 5-7 triệu đồng/giếng, song không phải cứ khoan là có nước sử dụng. Ông Trần Đình Thư, Trưởng thôn Nhập Thành cho biết: Năm 2013, hệ thống nước sạch đã được các đơn vị thi công hoàn thiện và bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa một hộ nào trong thôn được sử dụng nước từ công trình này.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồ, ông Trần Quốc Hữu xác nhận, công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2012, bảo đảm cấp nước sạch cho 749 hộ dân ở 5 thôn: Hồ Sen, Cầu Cát, Nhập Thành, Ổi và Mới. Khi hệ thống ống trục chính lắp đặt xong, trên địa bàn xã tiếp tục triển khai một số hạng mục như: thi công đường điện chiếu sáng; cứng hóa đường giao thông nên một số đoạn ống bị bục vỡ phải làm lại. Tháng 10/2013, hệ thống ống nước đã được sửa chữa và bàn giao cho đơn vị quản lý là Cty TNHH Thương mại xây dựng điện nước Đại Phúc. Tuy nhiên, từ đó đến nay chỉ khoảng 120/749 hộ ở thôn Hồ Sen và Cầu Cát được dùng nước từ hệ thống, còn 3 thôn: Nhập Thành, Mới và Ổi chưa có nước. “Chúng tôi đã có ý kiến đến đơn vị cung cấp nước, doanh nghiệp hứa sẽ quan tâm, nhưng đến nay tình hình chưa thay đổi...”-ông Hữu nói.
Công trình nước sạch ở xã Nghĩa Hồ do Cty TNHH Thương mại xây dựng điện nước Đại Phúc quản lý.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ở các thôn này đa số các hộ mới lắp hệ thống đường ống đến cổng. Một số hộ chưa lắp đồng hồ đo. "Nước chưa có thì chúng tôi lắp làm gì?. Tới đây gia đình tôi sẽ lắp đặt đồng hồ để dùng nước, cũng mong phía doanh nghiệp hướng dẫn thủ tục để gia đình làm hợp đồng đúng quy định” - chị Hà, một hộ dân cho hay.
Đề cập đến vấn đề chưa cung cấp nước cho người dân trong vùng dự án, ông Đinh Văn Đức, Giám đốc Cty Đại Phúc cho rằng: “Do các hộ dân chưa ký hợp đồng nên không thể cung cấp được. Việc ký hợp đồng là yêu cầu bắt buộc để Cty chủ động cung cấp nước cũng như quản lý việc thu tiền sử dụng nước đạt hiệu quả.”
Nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Hồ chưa được sử dụng nước sạch không chỉ do đơn vị cung cấp nước chưa tích cực phổ biến, hướng dẫn thủ tục đăng ký sử dụng nước đến các hộ dân. Bên cạnh đó, không chỉ chính quyền địa phương thiếu sát sao trong chỉ đạo, điều hành... mà còn do phía người dân chưa chủ động ký hợp đồng với doanh nghiệp. Hy vọng những vướng mắc trên sẽ sớm được giải quyết để người dân có nước sạch sử dụng, tránh để lãng phí công trình tiền tỷ.
Cuối năm 2011, UBND huyện Lục Ngạn đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho 5 thôn ở xã Nghĩa Hồ là: Hồ Sen, Cầu Cát, Nhập Thành, Ổi, Mới với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn của Chính phủ dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Theo thiết kế, công trình được lắp đặt 459 đồng hồ và gần 34km đường ống dẫn nước sạch cho 459 hộ dân với công suất 270 m3nước/ngày. |