THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:24

Quan tâm quản lý công trình cấp nước nông thôn

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nước hiện nay, một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn, qua đó tăng tỷ lệ công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên xây dựng, triển khai các mô hình, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực nước sạch. 

Trong tháng 7, Liên minh Nước sạch và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức chương trình tập huấn “Kỹ năng giám sát ô nhiễm nước cho cộng đồng” cho các nhóm cộng đồng nòng cốt tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn La, Bình Dương và Đà Nẵng. Chương trình này cung cấp kiến thức và kỹ năng giám sát ô nhiễm nước cho cộng đồng; Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giám sát ô nhiễm nước cho cộng động tại mỗi địa phương; Quan tâm hơn nữa đến nước sạch nông thôn…

Nước sạch về buôn huyện Krông Bông (ĐắkLắk).

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia cho biết các làng nghề hiện nay, phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp xen kẽ với khu dân cư, quy trình sản xuất thô sơ, lạc hậu, ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gây lãng phí và phát sinh nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến môi trường sống, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

Đáng chú ý, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, nơi có môi trường nền còn khá tốt. Thực chất, đây chỉ là xu hướng dịch chuyển ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí xung quanh. Trong các loại ô nhiễm, ô nhiễm nước đang là vấn đề báo động ở nông thôn,  bởi đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho người dân. Để giúp nông thôn nâng cao các kỹ năng, và ý thức bảo vệ nguồn nước, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; yêu cầu quản lý và giám sát các kho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và một số trường hợp tương tự khác; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất.

Để giải quyết triệt để vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng hệ thống quan trắc ở các vùng nông thôn nhằm cảnh báo việc ô nhiễm. Đồng thời, tuyên truyền, kết hợp xây dựng hệ thống văn bản chặt chẽ hướng tới sự phát triển bền vững ở nông thôn. Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo “Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác phần mềm quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung”, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.  Đây là phần mềm hoạt động trên Internet, quản lý tập trung tại Bộ và hoạt động theo cơ chế phân quyền cho Sở Tài chính các địa phương cập nhật số liệu và báo cáo theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC.

Theo thông tư này, ngoài các quy định về máy tính và khả năng kết nối Internet, dự thảo thông tư đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người quản trị và người sử dụng phần mềm phải là cán bộ được Bộ Tài chính cấp tài khoản và phân quyền truy cập theo đề nghị bằng văn bản của Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các thông tin được đăng nhập vào phần mềm phải được Sở NN&PTNT kiểm duyệt và xác nhận theo quy định hiện hành. Việc sử dụng và khai thác thông tin cũng được quy định rõ: Cơ sở dữ liệu về công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung là một bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu này có giá trị pháp lý như hồ sơ dạng giấy.

Được biết, đến nay, cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước tại Bộ Tài chính đã quản lý thông tin của 14.284 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tổng nguyên giá 24.592 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại là 15.776 tỷ đồng.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh